Bài 1: Tam Dị - “Tâm bão đại dịch cam”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:58, 08/05/2012

Ngày 19-4, tại Bệnh viện Nhi TƯ, cháu Nguyễn Thị Ngọc H, ở Hà Nội, 8 tháng tuổi bị tử vong do sử dụng thuốc cam lâu ngày, hàm lượng chì trong máu cao gấp 10 lần cho phép. Vậy là từ tháng 11-2011 đến nay, đã có 4 bệnh nhi tử vong do ngộ độc chì có trong thuốc cam trong số hàng nghìn bệnh nhân thuộc 27 huyện của 15 tỉnh, thành và hầu hết dùng "thuốc" của ông lang, bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc.

LTS: Ngày 19-4, tại Bệnh viện Nhi TƯ, cháu Nguyễn Thị Ngọc H, ở Hà Nội, 8 tháng tuổi bị tử vong do sử dụng thuốc cam lâu ngày, hàm lượng chì trong máu cao gấp 10 lần cho phép. Vậy là từ tháng 11-2011 đến nay, đã có 4 bệnh nhi tử vong do ngộ độc chì có trong thuốc cam trong số hàng nghìn bệnh nhân thuộc 27 huyện của 15 tỉnh, thành và hầu hết dùng "thuốc" của ông lang, bà mế, người bán dạo không rõ nguồn gốc.

Xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) những ngày qua hầm hập "nóng" bởi tình trạng trẻ em bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam tăng đột biến. Những con số vừa võ đoán, vừa truyền miệng loang ra. Người ta đồn thổi có đến 90% trẻ em ở xã Tam Dị bị nhiễm chì. Có người lại nói chỉ hơn trăm trẻ là cùng... Dù con số cuối cùng chưa thấy công bố chính thức, nhưng ai cũng thừa nhận, Tam Dị đang là "Tâm bão của đại dịch cam". 

Nhà bà lang Thế vắng hoe sau khi có tin thuốc cam nhiễm chì.

Sau chuyện đồn thổi

Buổi trưa xã Tam Dị vắng vẻ lạ thường. Ở một xã thuần nông như nơi đây, có vẻ như mọi người tranh thủ nghỉ trưa và tránh cái nắng rát bỏng đầu mùa trải dài trên cánh đồng. Có lẽ vì thế mà chúng tôi may mắn gặp được ông Đỗ Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Tam Dị. Vừa nghe đề cập đến chuyện thuốc cam nhiễm chì nhà bà lang Thế, ông Quảng bức xúc: "Đúng là rất nhiều trẻ em của Tam Dị nhiễm chì. Nhưng những con số mà báo chí nêu vừa qua thì nhiều quá, thổi phồng quá. Hơn nữa, việc nhiễm chì của các cháu có phải do thuốc cam hay không thì cũng còn phải đợi kết luận của cơ quan chức năng".

Lục trong đống giấy tờ ngổn ngang, ông Quảng đưa cho chúng tôi một tập giấy vở. Những nét chữ viết bằng tay do Trạm Y tế xã Tam Dị thống kê các trường hợp trẻ trong xã đi khám cho thấy, có 43 trẻ đã đi khám và xét nghiệm tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Hầu hết bố mẹ các cháu đều nói rằng đã mua thuốc cam của bà lang Thế cho trẻ uống và bôi tưa lưỡi. Hỏi về bà lang Thế, người dân ở đây cho biết, bà Nguyễn Thị Thế (ở nhà thường gọi là bà lang Tiến, ông Tiến là chồng bà đã mất cách đây mấy năm) đã chế thuốc cam để bán nhiều năm nay cho người dân, gồm hai dạng là thuốc bôi và thuốc uống nhưng không có giấy phép hành nghề. Ban đầu bà bán các loại thuốc này ở chợ, sau khi nghe phản ánh về việc một cháu bé sau khi sử dụng thuốc của bà bị nghi nhiễm độc chì, đã thôi bán ở chợ. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn bán loại thuốc trên tại nhà riêng.

Còn theo bác sỹ Ngô Hải Tiện, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tam Dị thì trong nhiều năm gần đây khi thấy biểu hiện trẻ bị tưa lưỡi, loét miệng, người dân trong xã thường đến nhà bà lang Thế để mua thuốc cam dùng. Thành phần thuốc gồm một số loại thảo dược như mạch nha, ý dĩ, hạt sen, hoài sơn, cát căn và hồng đơn, được rang sau đó tán nhỏ để cho người bệnh bôi hoặc uống. Theo thông tin mà ông Tiện có được thì toàn xã không chỉ có 43 cháu nhiễm độc chì vì nhiều người khác cũng đang cho con, cháu đi khám vì lo trẻ nhiễm bệnh. Ông Tiện cho biết, hầu hết trẻ được đưa thẳng lên Hà Nội chứ không qua trạm y tế xã, huyện nên địa phương không nắm được cụ thể những cháu nào bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam của bà Thế. Chính vì vậy, số lượng trẻ nhiễm độc chì có thể tăng lên tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm sau khi các cháu trở về.

Kể về trường hợp đứa con trai mới hơn 1 tuổi của mình, chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Thanh Giã, xã Tam Dị, Lục Nam) vẫn chưa hết bức xúc. Chị cho biết, khi thấy con có biểu hiện bị tưa lưỡi, nhiệt miệng đã đến nhà bà lang Thế ở trong thôn để mua thuốc về bôi và uống. Sau khi chữa xong thì cháu thường xuyên có biểu hiện bỏ ăn, hay nôn. Khi nghe báo chí nói nhiều đến nhiễm độc chì, chị đã đưa con tới  BV Bạch Mai khám. Lúc đó chị mới tá hỏa khi đọc kết quả xét nghiệm: cháu đã bị nhiễm độc chì với hàm lượng trong máu và nước tiểu là 57%. Bác sỹ yêu cầu cháu ở lại để điều trị và mới được về nhà mấy ngày hôm nay. "Tuy nhiên, không biết sau này cháu có thể bị ảnh hưởng gì nữa không. Nhiều bác sỹ nói, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị nên cháu phải điều trị dần dần để loại bỏ độc tố chì trong người" - Chị Thủy nói. Còn chị Trần Thị Nhung, mẹ cháu Hoàng Yến Nhi, thôn Thanh Giã 2 cho biết, từ khi bốn tháng tuổi cháu đã dùng thuốc cam mua của bà lang Thế để tránh sài đẹn và giúp cháu hay ăn, chóng lớn. Thế nhưng qua kiểm tra, các bác sỹ chẩn đoán cháu bị ngộ độc chì trong máu tới gần 70%, sau khi điều trị, lượng chì trong máu hiện chỉ còn khoảng 17%. Theo nhiều người dân, trước đây họ đều sử dụng thuốc cam để chữa bệnh biếng ăn, còi xương, lở loét miệng cho trẻ em nhưng không có biểu hiện gì. Chỉ trong thời gian gần đây, trẻ mới có biểu hiện bất thường. Có người nói trước đây bà Thế tự chế biến còn hiện nay bà lấy thuốc của Trung Quốc về bán nên mới xảy ra hiện tượng này. Bà Nguyễn Thị Vuông, ở cùng thôn Thanh Giã thì cho rằng, trước đây, bố mẹ chồng của bà Thế dùng thuốc hoàn tán. Giờ bà Thế không biết hoàn tán, toàn đi nhập lại thuốc của người khác nên mới ra cơ sự như thế.

Bà lang Thế là... thế

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi tìm tới nhà bà lang Thế. Khi chúng tôi hỏi thăm, nhiều người nói, bà lang Thế đã đóng cửa mấy hôm nay, không bán thuốc, không tiếp khách. Thế nhưng bà Thế tiếp chúng tôi khá cởi mở và cũng trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, bà Thế có khuôn mặt đầy đặn, đẹp và phúc hậu. Kể về quá trình làm thuốc của mình bà Thế cho biết, trước các cụ nhà bà có làm nghề bốc thuốc Đông y. Sau đó ông Tiến (chồng bà) nối nghiệp và vẫn thường làm thuốc để bà Thế đi bán ở chợ. Trẻ em trong xã hầu hết đều dùng thuốc cam của nhà bà. Đến khi ông Tiến mất, vẫn bài thuốc cũ, bà tiếp tục bào chế bán cho người dân sử dụng, nhiều năm nay không có vấn đề gì. Đùng một cái, nhiều người cho con đi khám và có kết luận bị nhiễm chì, bà Thế cũng không hiểu chuyện gì xảy ra. Khi chúng tôi đem những nghi ngờ về nguồn gốc nguyên liệu làm thuốc của người dân ra hỏi, bà Thế cho biết, nguồn dược liệu để chế biến thuốc vẫn được bà mua của ông Mậu Tân ở TP Bắc Giang, sau đó cho vào xoong sao lên cho các cháu uống, mỗi năm chỉ mua 1-2 lần. Các vị thuốc chỉ có cát căn, hoài sơn, ý dĩ, hạt sen. "Còn trên tivi nhà nước nói là có rất nhiều thứ nhiễm chì, nước cũng nhiễm chì chứ chẳng phải do thuốc cam. Bao nhiêu năm nay tôi bán không sao, các cháu nhà tôi uống cũng không sao. Bây giờ có như thế nào các bác cứ hỏi dưới tỉnh, tôi đã nói hết dưới tỉnh rồi. Các bác đi làm việc nhà nước cứ xuống tỉnh hỏi thì biết rõ hơn" - bà Thế nói vậy lúc chúng tôi ra về.

Kiểm chứng những thông tin do bà Thế cung cấp, chúng tôi được biết, sau khi có thông tin về việc nhiều trường hợp bị nhiễm độc chì ở Tam Dị, Sở Y tế Bắc Giang đã cử Đoàn kiểm tra về lập biên bản, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm chất lượng và niêm phong toàn bộ số lượng thuốc còn lại tại nhà bà Thế. Đoàn cũng tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc cam của bà Thế, chờ kết quả xử lý tiếp. Còn theo bà Hàn Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế khi lập biên bản chỉ tạm giữ được số thuốc còn lại trong nhà chứ không lấy được mẫu thuốc từ những người dân đã mua và sử dụng. Đoàn cũng đã lấy mẫu và gửi đi kiểm nghiệm chất lượng và thành phần thuốc tại Trung tâm Kiểm nghiệm (Sở Y tế Bắc Giang) và Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương. Kết quả của cả hai đơn vị khá tương đồng, khẳng định có hai chỉ tiêu không đạt là độ đồng nhất và giới hạn nhiễm khuẩn. Đặc biệt, theo công văn gửi Sở Y tế Bắc Giang, Trung tâm Kiểm nghiệm Bắc Giang cho rằng, hàm lượng này là không cao so với hàm lượng chì trong một số dược liệu được quy định tại Dược điển Việt Nam IV. Tuy nhiên, thành phần của mẫu có chứa nhiều kim loại nặng như niken, crôm, thủy ngân. Với hàm lượng chì lấy tại mẫu thuốc bôi là 4,30mcg/g, đối với sản phẩm thuốc uống là 1,02mcg/g. Theo kết quả kiểm nghiệm thì các kim loại nặng này có ngay trong thành phần của các dược liệu dùng làm "thuốc" cam. Với hàm lượng trên, nếu chỉ dùng với liều lượng nhỏ thì không thể gây ngộ độc nhưng nếu dùng thường xuyên, liên tục với số lượng lớn thì có thể dẫn đến các triệu chứng ngộ độc. Sở Y tế Bắc Giang cũng đã cử người tới cửa hàng bán thuốc của ông Mậu Tân (TP Bắc Giang), cửa hàng mà bà Thế nói là đã mua nguyên liệu về làm "thuốc" cam. Đây là đơn vị kinh doanh dược liệu có giấy phép hành nghề đàng hoàng nhưng chủ cửa hàng phủ định việc có bán thuốc cho bà Thế.

Từ những thông tin có được, chúng tôi hoàn toàn có thể đặt một sự nghi vấn mới: Liệu các cơ quan quản lý nhà nước đã quản lý được nguồn dược liệu nhập từ nước ngoài. Đặc biệt, mỗi ngày có đến cả trăm tấn dược liệu, chủ yếu là dược liệu phục vụ trong Đông y được nhập về Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Đây chính là nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho các nhà thuốc Đông y và cho các ông lang, bà mế. Nếu không quản lý được tốt nguồn dược liệu này, có lẽ không chỉ có một bà lang Thế mà có thể còn nhiều ông lang, bà mế vô tình gây ra những hậu quả khôn lường trên con đường làm việc thiện chữa bệnh, cứu người. Bởi lẽ chính những dược liệu nhập ngoại này không bảo đảm chất lượng hoặc nhiễm một loại hóa chất nào khác gây hại cho sức khỏe con người. Mà thực tế đã rất nhiều trẻ em bị nhiễm chì do uống thuốc cam từ nhiều nguồn khác nhau, của nhiều bà lang khác nhau trên khắp các tỉnh Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam mà nặng nhất là Bắc Giang.

(Còn tiếp)

Ngọc Hải - Phương Anh