Khúc khải hoàn màu hồng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:51, 08/05/2012
Như vậy, 31 năm kể từ ngày 10-5-1981 - thời điểm cánh tả Pháp ăn mừng ông Francois Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội dưới nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp - Quảng trường Bastille, địa điểm mít tinh truyền thống của cánh tả ở trung tâm Thủ đô Paris, mới lại có dịp trắng đêm trong tiếng hò reo, cổ vũ của hàng chục nghìn người ủng hộ tân Tổng thống F.Hollande.
Sau sự kiện nước Pháp vừa trải qua thu hút sự quan tâm của hầu hết các kênh thuyền thông trên thế giới, con đường tới Điện Élysée của chính trị gia 58 tuổi này được nhận ra như một định mệnh. Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu ở miền Bắc Rouen, ông F.Hollande từng học các trường danh giá nhất của Pháp như: Học viện Chính trị Paris (Sciences-Po), Trường Thương mại Paris (HEC) và Học viện Hành chính quốc gia Pháp (ENA). Mặc dù bước chân vào chính trường từ năm 1979, song hơn 3 thập kỷ qua, nhà lãnh đạo được mệnh danh là "ngài bình thường" này chưa từng giữ một chức vụ cao nào trong cơ quan công quyền. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu được đối thủ thuộc các đảng khác khai thác triệt để trong chiến dịch tranh cử nhằm khắc họa bằng được một nhân vật F.Hollande như một nhà lãnh đạo yếu đuối, thiếu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do khiến "ngài bình thường" làm nên điều phi thường. Thứ nhất, cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm nước Pháp đang có nhiều biểu hiện rệu rã sau thời gian dài chống chọi với khủng hoảng kinh tế thế giới và khủng hoảng nợ công khu vực. Chính sách "thắt lưng, buộc bụng" khắt khe gây tổn thương hệ thống an sinh xã hội ở quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 3 Châu Âu và nhiều biện pháp cải cách gây tranh cãi khiến uy tín của ông N.Sarkozy xuống thấp kỷ lục. Thứ hai, ông F.Hollande nhận được sự đồng thuận lớn trong nội bộ PS, trong đó có một "lá bài" vô cùng lợi hại - sự hậu thuẫn của bà Segolene Royal - người bạn đời cũ và từng là đại diện của PS ra tranh cử Tổng thống năm 2007. Ngoài ra, nếu không có cú "ngã ngựa" của ông Dominique Strauss-Kahn - cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và cũng là ứng cử viên Tổng thống sáng giá của PS vào thời điểm đó - trong một vụ bê bối tình dục được cả thế giới biết đến trong năm 2010 - thì hẳn ông F.Hollande đã mất đi cơ hội trở thành người phủ màu hồng truyền thống của cánh tả lên Điện Élysée trong mùa bầu cử vừa khép lại. Nói một cách khác, thắng lợi của tân Tổng thống Pháp hội tụ đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Tuy nhiên, niềm vui chiến thắng sẽ không thể kéo dài khi trước mắt ông F.Hollande vừa đắc cử Tổng thống Pháp là cả một chặng đường đầy chông gai. Làm thế nào để triển khai đúng hướng chương trình tranh cử nhằm vực dậy quốc gia hình Lục lăng và lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền vào lúc này là một bài toán vô cùng hóc búa với tổng thống mới của nước Pháp. Trong đó đáng chú ý nhất là nền kinh tế đang không ngừng phát đi những tín hiệu tiêu cực, như tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục có chiều hướng gia tăng và có thể vượt ngưỡng 10% ngay trong mùa hè này và nợ công của Pháp đã vượt ngưỡng 1.700 tỷ euro và có thể lên tới đỉnh điểm 89% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2013.
Nhưng, dẫu thừa kế "di sản" là một nền kinh tế đang dần suy kiệt song liệu pháp mà ông F.Hollande cam kết với cử tri lại không giống ai. Trái ngược với người tiền nhiệm và lãnh đạo nhiều nước trong khu vực đã và đang thực hiện là, trong thời gian tới, dưới "triều đại" F.Hollande, nước Pháp sẽ giảm bớt "thắt lưng, buộc bụng" - một "đơn thuốc" đang được nhiều quốc gia tin dùng nhằm chống đại dịch nợ công đang hoành hành khắp Cựu lục địa. Ý tưởng nới lỏng táo bạo của ông F.Hollande dù chưa mang lại "làn gió mới" cho nước Pháp; song rõ ràng đã tạo sức ép lớn trên chính trường các nước có nền kinh tế yếu kém. Vì, cùng với Pháp, các nước Hy Lạp, Đức, Italia, Ireland, Tây Ban Nha cũng sẽ lần lượt tiến hành tổng tuyển cử. Một điểm chung không khó nhận ra tại các cuộc tranh cử đang diễn ra là, những chính đảng hiện đang ủng hộ giải pháp "thắt lưng, buộc bụng" để cứu nguy Châu Âu theo hướng thắt chặt ngân sách đều không được lòng cử tri và dân chúng.
Do đó, khúc khải hoàn trong cuộc phủ hồng Điện Élysée của "ông tử tế" - F.Hollande dường như đang vượt khỏi biên giới Pháp. Một hiệu ứng mang tên F.Hollande trong khu vực đồng euro được dự báo là có thể sẽ tác động đến cả một thế hệ lãnh đạo "bức tường lửa" tài chính ở Châu Âu nhằm ngăn cuộc khủng hoảng nợ bị lung lay. Đây chính là nhân tố làm nên khác biệt khiến cả thế giới quan tâm trong cuộc đắc cử Tổng thống Pháp của ngài Hollande.