Từ sân bay Mường Thanh đến cảng hàng không Điện Biên Phủ
Chính trị - Ngày đăng : 08:29, 24/03/2004
Cảng Hàng không
Điện Biên Phủ
Trong buổi lễ khánh thành nhà ga hành khách mới, chúng tôi đã gặp đoàn cựu chiến binh Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và trực tiếp tấn công vây hãm sân bay Mường Thanh năm đó. Về thăm chiến trường xưa, Trung tá Ong Thế Huệ, 74 tuổi hiện đang sống tại tổ 28 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai kể: Đơn vị của ông, sau khi tấn công cụm cứ điểm phía Bắc gồm Him Lam, Bản Kéo, Hồng Cúm, nhận nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường tiếp tế của Pháp cho tập đoàn cứ điểm. Sân bay Mường Thanh lúc đólà sân bay dã chiến, đường băng ngắn bằng đất, xung quanh là hầm, hào của quân Pháp, vì vậy khi tấn công bộ đội ta dùng cách đào hào vây lấn rồi chia cắt sân bay. Từ 30-3 đến giữa tháng 4-1954 bộ đội ta làm chủ hoàn toàn sân bay Mường Thanh. Sau này ông và đồng đội đã 5 lần trở lại Điện Biên Phủ và lần nào cũng đến thăm lại sân bay, chiến trường năm xưa. Vớiông mỗi lần trở lại là một lần ngỡ ngàng về những đổi thay nhanh chóng của Điện Biên, của sân bay. Ông nói: “Dịp kỷniệm lần thứ 45Chiến thắng Điện Biên Phủ, sân bay Điện Biên chỉ có một nhà ga nhỏ, còn giờ đã là một nhà ga lớn, hiện đại. Vui quá ! Chúng tôi bảo nhau phải dành dụm mà đi một chuyến máy bay cho biết mới được”.
Chúng tôi như vui lây với niềm vui của những người cựu chiến binh, những người làm nên “thiên sử vàng”. Quả thật, thành phố Điện Biên Phủthay đổi rất nhanh. Sân bay Mường Thanhnăm xưa nayđã trở thành một cảng hàng không dân dụng địa phương thuộc loại hiện đại nhất. Dấu tích của những trận chiến ác liệt hào hùng năm xưa giờ chỉ còn lại trong ký ức. Ông Phạm Quý Tiêu, Tổnggiámđốc Cụm cảng hàng không miền Bắc cho biết, sân bay Điện Biên Phủ hoạt động trở lại từ những năm 1970, nhưng những năm gần đây mới được đầu tư, nâng cấp đáng kể. Năm 1994-1995, Cảng hàng không Điện Biên Phủ được đầu tư xây dựng lại toàn bộ đường băng, sân đỗ máy bay; năm 1996 xây dựng nhà ga hành khách (lúc đó quy mô nhỏ); năm 1998 đầu tư kéo dài đường hạ - cất cánh (tổng chiều dài 1800m), năm 1999 nhà ga hành khách tiếp tục được nâng cấp, đồng thời hệ thống quan trắc khí tượng tự động và xe cứu hỏa hiện đại được đầu tư mới. Và hôm nay, một nhà ga hành khách có tổng diện tích 2500m2, với các trang thiết bị công nghệ hiện đại, phục vụ cùng lúc cả các chuyến bay nội địa và quốc tế; đường lăn, sân đỗ rộng 7500m2, gồm 4 vị trí đỗ máy bay ATR72 và Fokker 70 (tổng trị giá toàn bộ dự án là 24 tỷ đồng) đã được đưa vào khai thác. Nhà ga hành khách Cảng hàng không Điện Biên Phủ không chỉ là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn phục vụ lâu dài cho việc phát triển hàng không đến năm 2015 theo quy hoạch, góp phần giúp tỉnh Điện Biên và vùng Tây Bắc hội nhập kinh tế, xã hội với cả nước và quốc tế.
Những ngày này Cảng hàng không Điện Biên Phủ tấp nập với nhữngchuyến bay đưa hành khách đến với năm Du lịch Điện Biên,đến với Lễ kỷ niệm 50 Chiến thắng. Ông Nguyễn Văn Nhuần, Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên Phủ cho biết, đường bay Hà Nội - Điện Biên đã tăng từ 2 chuyến lên 5-6 chuyến/ngày để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Nhưng khó khăn nhất là các chuyến bay vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhất là thời điểm này, Điện Biên thường có mây mù nên lịch bay thường bị chậm, thậm chí có ngày toàn bộ các chuyến bay đều phải hủy để bảo đảm an toàn. Vì thế cùng với nhà ga hành khách mới, cảng còn được Trung tâm quản lý bay dân dụng Việt Nam đầu tư xây dựng đài kiểm soát không lưu mới và sắp tới tiếp tục được lắp đặt hệ thống dẫn đường chính xác, hiện đại. “Với sự quan tâm đầu tư trên, chúng tôi có đủ điều kiện để mở rộng dịch vụ của sân bay, đồng thời bảo đảm an toàn bay tốt hơn rất nhiều” - ông Nhuần nói.
Được biết sau Cảng hàng không Điện Biên Phủ, Cụm cảng hàng không miền Bắc có kế hoạch đầu tư mở rộng sân bay Nà Sản (Sơn La), dự kiến khởi công vào đầu năm 2005, sau khi tuyến Quốc lộ 6, tuyến đường quan trọng lên Tây Bắc hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp.
HNM