Để đồng tiền phát huy hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 08/05/2012
Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc thành lập quỹ giúp đỡ doanh nghiệp, Chính phủ đưa ra gói cứu trợ trị giá 29.000 tỷ đồng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Gói cứu trợ gồm nhiều biện pháp chủ yếu là giãn thuế (dự kiến hoãn thu 12.300 tỷ đồng thuế GTGT (VAT), hoãn thu 3.500 tỷ đồng thuế TNDN); giảm thuế khoán hộ, thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế sử dụng đất; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ… nhằm ổn định nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa ra khỏi khủng hoảng, tăng trưởng GDP của nước ta chưa bền vững, hoạt động tài chính - ngân hàng còn yếu kém, thị trường bất động sản có những tín hiệu không lành mạnh. Chủ trương trên lập tức được các chuyên gia kinh tế và nhiều doanh nghiệp hoan nghênh, thị trường phản ứng tích cực.
Hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng tức là ngân sách tạm thời giảm thu tương đương số tiền ấy và sau đó phải tăng thu, chống thất thu, lấy tiền của các khoản khác bù vào. Trong hoàn cảnh dự trữ quốc gia còn mỏng, còn nhập siêu và bội chi, bỏ ra một số tiền như vậy là một cố gắng lớn nhưng làm sao để việc triển khai được nhanh, đúng nơi cần, sử dụng có hiệu quả đồng vốn còn là một đòi hỏi vì chỉ có triển khai nhanh, minh bạch, không để cơ chế xin - cho hoành hành mới có thể phát huy được hiệu quả đồng tiền nộp thuế của dân trong lúc này.
Có rất nhiều khó khăn khiến cho các doanh nghiệp đình đốn hoặc giải thể hàng loạt nhưng rút lại, mọi khó khăn đều quy về thiếu vốn cho sản xuất và thiếu đầu ra cho sản phẩm. Thiếu vốn nhưng các doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được gói cứu trợ vì nội dung của nó là giãn thuế, giảm thuế, hoãn thu phí mà những khoản này chỉ có với những doanh nghiệp còn hoạt động, còn có giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đình đốn, ứ đọng hàng, không hoàn thành được hợp đồng… không có những khoản nộp này và do vậy không được hưởng các khoản ưu đãi từ gói cứu trợ của Chính phủ. Gói cứu trợ hướng về các doanh nghiệp nhỏ và vừa là chủ yếu, nhưng một doanh nghiệp được coi là nhỏ và vừa có quy mô vốn, quy mô lao động… là bao nhiêu lại chưa có quy định rõ ràng. Chính từ những nguyên nhân này, xuất hiện những kẽ hở, dễ có những khuất tất, tạo cơ hội cho cơ chế xin - cho, chạy cửa sau, hợp thức chứng từ… thiếu minh bạch, rót vốn không đúng địa chỉ, tiền đề cho tệ tham nhũng, phiền hà.
Nhưng ngay khi tất cả những điều đó bị triệt tiêu thì gói cứu trợ vẫn chỉ là biện pháp tình thế, tạm thời chưa phải nộp hoặc nộp "ít cá" hơn, chứ chưa phải được "cần câu" để "câu cá". Biện pháp căn bản, lâu dài để duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động lại là, làm sao để có thị trường, hàng hóa không ứ đọng và có vốn để sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thị trường xuất khẩu là khó khăn, vậy phải trông vào thị trường trong nước, vốn trong nước. Về vốn, ngân hàng cần tính toán để có được trần lãi suất cho vay (khoảng 14%/năm là chấp nhận được). Về hàng, cuối cùng lại quay về cơ cấu lại chi tiêu công (để tăng nhu cầu lao động và nguyên liệu) và kích thích tiêu dùng của người dân. Chỉ có như vậy, may ra gói cứu trợ mới phát huy tác dụng thiết thực, hiệu quả.