99,4% cổ đông SHB đồng ý sáp nhập HBB

Kinh tế - Ngày đăng : 10:35, 07/05/2012

(HNMO) - Thương vụ HBB sáp nhập vào SHB thành công sẽ hình thành một định chế tài chính có vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng...


Cụ thể, Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 20 của SHB đã thông qua giao dịch sáp nhập Habubank (mã CK: HBB) vào SHB (bao gồm cả việc thông qua Đề án sáp nhập, Hợp đồng sáp nhập, Điều lệ Ngân hàng sau sáp nhập) với 591 phiếu tán thành, bằng 99,4% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông tham dự đại hội.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu để thực hiện giao dịch sáp nhập được thực hiện là 1 cổ phiếu của HBB sẽ được hoán đổi ngang bằng 0,75 cổ phiếu của SHB (mệnh giá 10.000 VND); 1 cổ phiếu của SHB sẽ được nhận thêm 0,21 cổ phiếu của SHB (mệnh giá 10.000 VND). Đối với lợi ích cổ đông của SHB, sau khi sáp nhập HBB, trong năm 2012 cổ đông SHB cũ (theo danh sách chốt trước ngày sáp nhập) sẽ được hưởng thêm 0,21 cổ phiếu/1 cổ phiếu có quyền sở hữu.

Ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục được tín nhiệm tái đắc cử Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ thứ 2, 2012-2017.

Sau khi sáp nhập, SHB vẫn mang tên SHB


HĐQT SHB đã trình bày cụ thể các phương án kinh doanh của ngân hàng sau sáp nhập và đã được đại hội thông qua. Theo đó, kế hoạch kinh doanh năm 2012 là 132.172 tỷ đồng tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế đạt 1.850 tỷ đồng; năm 2013 tăng trưởng từ 14-20%; năm 2014 tăng trưởng từ 19-20%.

Điều cổ đông SHB quan tâm nhất tại đại hội là khoản lỗ 4.066,5 tỷ đồng sẽ được xử lý trong 3 năm tới theo đề án sáp nhập đã được công bố của HBB, nhưng theo đề áp sáp nhập với SHB, khoản lỗ của HBB sau sáp nhập chỉ còn 1.829 tỷ đồng và kế hoạch cắt lỗ được rút ngắn chỉ còn ngay trong năm 2012 này. Trước băn khoăn trên, SHB khẳng định lỗ của HBB theo đánh giá lại tài sản của công ty kiểm toán đến 29/2/2012 là 4.066,5 tỷ đồng. Theo HĐQT của SHB, để đảm bảo lợi ích các cổ đông và tạo thuận lợi cho sự phát triển của SHB sau sáp nhập, HĐQT HBB và SHB đã xây dựng phương án trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản vay và trái phiếu Vinashin 2.236 tỷ đồng trong vòng 5 năm, mỗi năm là 447,2 tỷ đồng. Như vậy số lỗ lũy kế của HBB tại thời điểm 29/2/2012 là 1.829 tỷ đồng chuyển sang SHB sau sáp nhập.

Có thể nói, thương vụ HBB sáp nhập vào SHB thành công sẽ hình thành một định chế tài chính có vốn điều lệ gần 9000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng (tính đến 29/2/2012), có hệ thống mạng lưới kinh doanh rộng khắp trên cả nước với 242 chi nhánh, phòng giao dịch, gần 4.600 CBNV đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng.

Sau sáp nhập, SHB trở thành 1 trong 10 ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam về quy mô vốn và tổng tài sản. “Nếu không có thương vụ sáp nhập HBB, để đạt được quy mô lớn và các lợi thế trên thì SHB cần ít nhất thời gian 5 năm với các chi phí rất lớn. Đó là những thế mạnh của SHB sau sáp nhập” - Lãnh đạo SHB cho biết.

Thanh Hương