Thuốc nào cho cơn sốt suy thoái?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 07/05/2012
Giới doanh nghiệp hy vọng vào phương thuốc hữu hiệu hơn khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ sẽ có nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo người phát ngôn của Chính phủ, đây là một hệ thống các giải pháp vĩ mô bao gồm tài khóa, tiền tệ, cải cách hành chính mà trọng tâm là hỗ trợ tài chính, thuế... Liệu các giải pháp này có đủ sức hạ cơn sốt nóng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp "ngồi trên chảo lửa"?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I năm nay có 2.400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản làm thủ tục giải thể; 11.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc dừng thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tại TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế mạnh nhất nước, quý I đã có 5.012 doanh nghiệp gửi thông báo ngừng hoạt động. Trong số 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 98% tổng số doanh nghiệp trong cả nước) có tới 39% gặp khó khăn, 25% phá sản, chỉ có 36% đủ sức hoạt động… Những con số trên phần nào đã phác họa bức tranh màu xám của nền kinh tế trong giai đoạn vô cùng khó khăn này. Doanh nghiệp Việt Nam dường như không còn đủ sức gồng mình trước căn bệnh là hệ quả của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Không chỉ giới chuyên gia kinh tế, nhiều bộ, ngành chức năng cũng đã lên tiếng cảnh báo về mức độ tăng trưởng thấp trong quý I. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ngành công nghiệp và xây dựng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 2,94%, bằng 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Bộ Công thương, mặc dù tăng trưởng 3,2%, song ngành công nghiệp chế biến đang rơi vào cảnh vô cùng khó khăn khi chỉ số sản xuất của 18 mặt hàng chủ yếu như xi măng, sắt, thép, bao bì, bột giấy… đang giảm mạnh. Nhu cầu tiêu thụ giảm, doanh nghiệp không bán được hàng, thậm chí một số doanh nghiệp xi măng không còn tiền để mua than và điện… Thực trạng hiện nay cho thấy, liều thuốc hạ lãi suất của ngân hàng trong thời gian vừa qua chưa đủ mạnh.
Hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng như vậy liệu có thể giải quyết được căn bệnh hiện nay của các doanh nghiệp hay không? Thực tế, giải pháp giãn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp có lợi nhuận chịu thuế, còn các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực, chưa có lợi nhuận để giãn thuế thì sao? Vấn đề mấu chốt với các doanh nghiệp hiện nay là "cầu" thấp, sức mua hạn chế, trong khi giá thành sản phẩm cao nên rất khó tiêu thụ, hàng hóa tồn kho nhiều. Để giải bài toán này, theo các chuyên gia kinh tế, việc trước mắt là hỗ trợ giá đầu vào cho doanh nghiệp (giãn lộ trình tăng giá điện, xăng dầu…) để hạ giá thành sản phẩm, qua đó kích cầu, giải quyết hàng tồn kho - vốn đang là vấn đề mấu chốt với rất nhiều doanh nghiệp…
Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Sức khỏe của doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Do vậy, những giải pháp đồng bộ để trợ giúp doanh nghiệp là hết sức cần thiết và là việc "cần làm ngay". Vấn đề chỉ ở chỗ những quyết sách của Chính phủ cần đi trúng vào vấn đề cấp bách của nền kinh tế hiện nay và thực sự là liều thuốc đặc trị để cứu doanh nghiệp khỏi cơn sốt nóng.