Nặng cho bệnh viện, thiệt cho bệnh nhân
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 07/05/2012
Lợi thì có lợi, nhưng…
Thanh toán theo định suất là mỗi năm, bệnh viện (BV) được BHYT chi cho một khoản tiền cố định tính theo đầu số thẻ mà BV quản lý, nếu tiêu quá sẽ không được bù. Với việc khoán định suất quỹ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, cái lợi đầu tiên là công tác quản lý của BHXH… nhàn hơn. Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), phương thức này cho phép BV chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn kinh phí KCB, nâng cao trách nhiệm trong quản lý quỹ KCB BHYT của đơn vị, đồng thời góp phần chống lạm dụng KCB bằng BHYT, hạn chế được tình trạng chỉ định điều trị không cần thiết, hay kê đơn có quá nhiều loại thuốc, gây lãng phí. Tình trạng lạm dụng xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật cao cũng được khắc phục. Cũng vì tránh bị "mất" quỹ mà các BV sẽ hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, đồng thời phải nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức y học và tăng cường tư vấn phòng bệnh tại các khu khám bệnh, để người bệnh tự giữ gìn sức khỏe, hạn chế dùng thuốc hay sử dụng dịch vụ y tế.
Khoán theo định suất, nhiều bệnh viện hạn chế tối đa các dịch vụ kỹ thuật cao cho bệnh nhân. Ảnh: Hữu Oai |
Tuy nhiên, lợi ích thực sự của phương thức thanh toán này ra sao thì tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thí điểm vừa được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, không có con số cụ thể nào được đưa ra để chứng minh. Ngay cả khi đã khảo sát ở Hải Phòng và Hải Dương, các nhận định về tính ưu việt của phương thức này cũng vẫn rất chung chung: "Tăng cường tính chủ động trong quản lý và sử dụng quỹ KCB", "Quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm". Còn các BV thì cho rằng, khoán định suất là cách mà BHXH "đẩy" quả bóng trách nhiệm kinh phí về cho cơ sở điều trị. Bởi thực tế, BHXH cũng như các BV đều thấy rõ, các cơ sở y tế thường bị bội chi, nhưng phương thức khoán định suất lại không bù phần thiếu hụt. Con số mà BHXH Việt Nam đưa ra sau 2 năm thí điểm phương thức này cho thấy rõ: Tuyến tỉnh có 17 cơ sở KCB theo định suất bị bội chi, chiếm 71%, với số tiền 56 tỷ đồng; tuyến huyện có 74 cơ sở KCB theo định suất bị bội chi, chiếm 39% với tổng số tiền bội chi lên tới 223 tỷ đồng. Các cơ sở KCB ở đồng bằng, thành thị thường vượt quỹ định suất.
Hạn chế quyền lợi của người bệnh
Việc khoán quỹ BHYT rõ ràng sẽ buộc các BV phải tính toán chi tiêu trong khoảng kinh phí được cấp sao cho thật tiết kiệm nên đương nhiên bác sĩ buộc phải hạn chế quyền lợi của người bệnh để tránh bội chi. Tình trạng lạm dụng dịch vụ y tế khi thanh toán theo dịch vụ trước kia nay sẽ chuyển thành tiết kiệm quá mức, thậm chí không cung cấp đủ các dịch vụ cần thiết cho người bệnh. Thực tế, nhiều BV chỉ cho bệnh nhân xét nghiệm và đơn thuốc tối thiểu, thậm chí tận dụng những xét nghiệm bệnh nhân thực hiện từ tuyến xã, huyện để không phải thêm chi phí xét nghiệm lại. Một số BV khoán số tiền sử dụng trong từng tháng, nếu hết sẽ không nhận bệnh nhân nữa. Để cắt giảm chi tiêu, nhiều BV thường phải cho bệnh nhân ra viện sớm hơn, kê đơn thuốc kém chất lượng hơn, hạn chế điều trị nội trú và giảm tối đa bệnh nhân chuyển lên tuyến trên.
Đại diện BV Đa khoa huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, việc thanh toán theo định suất buộc BV phải tiết kiệm tối đa chi phí để tránh bội chi. Nhưng khi bác sĩ hạn chế các dịch vụ y tế, thì bệnh nhân lại yêu cầu chuyển viện để được hưởng lợi ích lớn hơn, dẫn đến một vòng luẩn quẩn: Các BV tuyến dưới càng tiết kiệm thì người bệnh càng yêu cầu chuyển viện nhiều, làm cho chi phí chung rất cao và khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Với phương thức thanh toán này, thiệt thòi vẫn rơi vào người dân bởi khi vào viện, quyền lợi của người bệnh đã bị cắt xén.
Theo một số chuyên gia y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do quy trình chuyên môn chưa được xây dựng và giám sát kịp thời. Đây là việc rất quan trọng lẽ ra cần phải được tiến hành đồng thời khi khoán định suất BHYT. TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam nêu quan điểm: Để bảo vệ quyền lợi người bệnh, đúng ra, khi thực hiện thanh toán theo định suất, đã phải có hệ thống theo dõi bảo đảm chất lượng KCB của các cơ sở thực hiện theo định suất. BHXH cũng phải điều chỉnh giá thuốc, vật tư tiêu hao kịp thời... Nếu không có những giải pháp đồng bộ, việc khoán định suất BHYT sẽ không mang lại lợi ích cho người dân và trở thành gánh nặng cho các BV.