Bà Đông “ết”!

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:45, 07/05/2012

(HNM) - "Tìm bà Đông "ết" hả? Tôi đây. Có việc gì không?" - Bà nói, giọng bình thản, tay với chiếc ghế gỗ cũ kỹ lấm bụi đưa tôi ngồi. Bà là Bùi Thị Đông ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, người đã hơn hai mươi năm chăm sóc, chia sẻ với những người nhiễm HIV-AIDS. Với vẻ ngoài lam lũ, có phần dữ dội, nhưng bà lại là chỗ dựa tinh thần cho bao gia đình và những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Chợ chiều ven đô, cái ồn ã, náo nhiệt như vón lại ở dãy hàng ăn trước cổng. Sâu bên trong, những sạp hàng vắng ngắt, những kiốt đóng cửa im ỉm. Vào đến dãy hàng giết mổ gia cầm ở cuối chợ, một thứ mùi hỗn tạp xộc lên từ rãnh nước đặc quánh càng khiến cái nóng hầm hập của một ngày Hà Nội xấp xỉ 40 độ trở nên đáng sợ. Cạnh một quán nước lèo tèo vài món đồ giải khát, bà Đông đang cắm cúi chẻ củi. Nghe tiếng tôi chào, bà mới ngẩng lên, bàn tay thô ráp kéo vạt áo lau mồ hôi. Nắng chiều hằn những nét khắc khổ trên khuôn mặt đen sạm. Sau phần chào hỏi, bà dắt ra chiếc xe đạp cũ, rồi dẫn tôi qua nhiều ngõ ngách chật chội mới đến được ngôi nhà bà đang ở.

Bà Đông đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều đạm bạc.

"Đời tôi đã khổ đến tột cùng rồi"

Căn nhà thấp lợp ngói xi măng càng khiến cái nóng đầu hè thêm ngột ngạt. Đồ đạc trong nhà cũng cũ kỹ, tuềnh toàng, lam lũ như chủ nhân của nó. Thắp nén hương lên bàn thờ vợ chồng người con trai cả, bà nuốt khan như cố giấu những giọt nước mắt và cả nỗi cơ cực, giọng nghẹn lại kể cho tôi nghe những nỗi đau tột cùng của đời người phụ nữ: hai con trai đầu nghiện ma túy rồi nhiễm HIV, của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi; không chịu nổi cảnh cơ cực, bần hàn, chồng dứt áo bỏ đi với người đàn bà khác, để lại bà với một mái nhà dột nát, nợ nần chồng chất; không có việc làm và lũ con nghiện ngập, bệnh tật, đứa út còn quá nhỏ… Trong nỗi tuyệt vọng khủng khiếp, bà đã từng tìm đến cái chết.

Thời điểm đó, sự kỳ thị của những người xung quanh về gia đình có con mắc bệnh "ết" khiến mọi cơ hội gượng dậy, làm lại cuộc đời của mẹ con bà gần như đóng sập lại. Nỗi đau quá lớn khiến bà như con thú bị thương, trở nên dữ dằn với mọi người. Chỉ cần đi chợ, đi làm thuê hoặc ngang đường loáng thoáng nghe ai dè bỉu chuyện nhà mình, bà không ngần ngại chửi bới, thậm chí xông vào đánh mắng, gào thét. Bà như con nhím xù lông với cả những người có thiện tâm với mình. Bà bảo tôi: May mà cô đến vào thời điểm này, chứ vài năm trước cô gặp tôi hỏi chuyện nhà, chắc chắn tôi không ngần ngại đập nát cái xe máy của cô ngay, dù nó có đẹp đến đâu chăng nữa!

Những tháng ngày đen tối đó, để có tiền nuôi con bệnh tật, bà thường xuyên đến bệnh viện bán máu, tháng đôi lần. Trong những ngày không có việc làm thuê, những đồng tiền bán máu ấy là nguồn sống duy nhất của cả gia đình. Có lần vừa làm thuê quần quật cả ngày rồi lại đi bán máu trong lúc bụng đói cồn cào, bà ngất xỉu. May có người cứu giúp kịp thời, bà mới tỉnh lại được. Bà bảo, lúc ấy cận kề cái chết lại không mong được chết, bởi mình không cố mà sống thì ai lo cho con?

Năm 2000, xây xong chợ Nhật Tân, chính quyền địa phương tạo điều kiện nhận bà vào làm lao công, có lương tháng. Bán hàng nước, rửa bát, cọ bàn, quét chợ, gánh nước thuê, dọn nhà vệ sinh, cuối ngày lượm lặt các đồ thừa ở chợ... bà làm tất cả mọi việc người ta thuê mướn để có tiền lo cho con, không ngại ngần, nề hà gì. Năm 2002, người con cả phát bệnh AIDS. Anh khẩn khoản xin mẹ cưới vợ cho mình, một người cũng đã mắc bệnh AIDS. Không nỡ từ chối con và hy vọng biết đâu niềm vui có gia đình sẽ kéo dài cuộc sống của con thêm ngày nào mừng ngày đó, bà tổ chức đám cưới cho con trong nỗi thấp thỏm không yên. Nhưng bất hạnh vẫn còn đeo bám cuộc đời người phụ nữ gian truân này. Hơn một năm sau ngày cưới, người con dâu phát bệnh AIDS giai đoạn cuối, khắp người lở loét. Bà một tay vừa kiếm sống vừa chăm sóc con trai, con dâu chu đáo đến ngày con dâu qua đời. Chỉ vài tháng sau, người con trai cả cũng theo vợ ra đi, bà như rũ xuống, cạn kiệt sinh lực. Nhưng rồi bà vẫn phải gượng dậy. Người con trai thứ hai nghiện ma túy và nhiễm HIV cần có bà chăm sóc, đứa con trai út ốm yếu, chưa có việc làm cũng cần dựa vào bà…

Tự nguyện làm công việc nhiều người sợ hãi

Trong những ngày cùng các con vật lộn với căn bệnh thế kỷ, sự mặc cảm đeo bám bà khi tiếp xúc với những "người bình thường" - người không nhiễm HIV, nhưng lại không ngăn cản bà tìm đến những gia đình đồng cảnh ngộ. Những người mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối, thân thể lở loét, nội tạng bị phá hủy, mỗi ngày đi vệ sinh hàng chục lần, đau đớn kêu la, không mấy ai dám đến gần. Khi họ chết, người nhà sợ không dám đụng vào, chỉ biết đứng ngoài mà khóc. Có người biết bà có kinh nghiệm nên đến khẩn thiết cậy nhờ. Bà đến ngay, tắm rửa bằng nước lá thơm, mặc quần áo, khâm liệm cho người xấu số xong xuôi mới về, không nhận một xu tiền công. Những nhà có con mắc bệnh cũng tìm đến bà nhờ tư vấn cách chăm sóc, điều trị. Lâu dần, người ta gọi bà là Đông "ết" dù bà không hề mắc bệnh. Có điều, đó không phải lối gọi kỳ thị mà là cách gọi hàm ơn, nể phục một người biết làm và dám làm những việc nhiều người sợ hãi!

Sau này khi đã làm lao công trong chợ Nhật Tân, hằng ngày, lúc rảnh rỗi, bà vẫn đi khắp chợ nhặt nhạnh củi khô, giấy báo, rơm rạ lót hoa quả về chất đầy góc nhà kho cuối chợ. Cuối buổi, bà tìm lá sả, hương nhu… chất vào chiếc nồi nhọ nhem kê trên ba hòn gạch đun nước tắm. Chất hai thùng nước lên chiếc xe đạp cà tàng đã tróc hết sơn, nhìn mãi không rõ màu gì, bà tìm đến nhà bệnh nhân AIDS, tắm gội, giặt giũ cho họ hoàn toàn miễn phí. Hỏi bà làm việc đó có sợ không, bà cười buồn: "Tôi quen rồi, nhìn chúng nó quằn quại kêu la, thấy thương như con mình vậy. Nhiều đứa vừa thấy tôi đã xua đuổi, tỏ ra bất cần. Tội nghiệp, chúng nó vốn bị nhiều người xa lánh, lại chịu đau đớn. Rồi biết tôi đến chỉ để hỏi han, tắm gội cho sạch sẽ, chúng nó lại ôm tôi mà khóc, bảo con sợ chết lắm. Tôi khuyên nhủ, muốn sống thì gắng uống thuốc đầy đủ, ăn uống điều độ, giữ gìn thân thể. Đứa nào cứng đầu, tôi mắng liền, thế là chúng nó lại nghe ra…".

Hơn chục năm tiếp xúc, chia sẻ và chăm sóc những người mang bệnh AIDS, trong đó có ba đứa con ruột thịt của mình, bà chỉ làm theo kinh nghiệm và cái tình giản dị như vậy, còn kiến thức về căn bệnh thế kỷ, bà biết rất mơ hồ. Cho đến năm 2005, khi Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS về phường phổ biến kiến thức thì bà mới thực sự hiểu và ngay lập tức đăng ký trở thành tình nguyện viên. Từ đó, ngày lại ngày, bà cùng các tình nguyện viên đến từng nhà tuyên truyền, phổ biến kiến thức về HIV, phát bao cao su, kim tiêm miễn phí cho các đối tượng nghiện hút ma túy. Công việc bà làm thường xuyên nhất là đưa những người nhiễm HIV đi khám, nhập viện điều trị. Bà cùng Hội Phụ nữ phường Nhật Tân thành lập Câu lạc bộ "Hãy đến bên nhau" để tập trung những người nhiễm HIV đến giao lưu, chia sẻ. Quán nước cuối chợ của bà trở thành "trung tâm giao dịch" cho nhiều gia đình có bệnh nhân AIDS.

Bây giờ, số tiền trợ cấp ít ỏi của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS không còn nữa nhưng bà Đông vẫn lặng lẽ theo đuổi công việc cao cả, đầy ý nghĩa của mình. Cuộc sống còn muôn vàn khó khăn, ngày ngày bà vẫn phải làm thuê lo kiếm ăn từng bữa, lo tích cóp để sửa lại cái mái nhà đã dột nhưng khi có ai cần, bà lại tất tả đến với những bệnh nhân AIDS, mong chia sẻ những đau đớn họ đang phải gánh chịu. Những việc làm tưởng như rất nhỏ bé, giản đơn ấy đã giúp nhiều người bớt kỳ thị với bệnh nhân AIDS, hiểu hơn về căn bệnh thế kỷ này mà phòng tránh. Và quan trọng hơn, tấm lòng nhân hậu của bà là liều thuốc thần diệu để nhiều người xích lại gần nhau hơn, người lành yêu thương người bệnh, người bệnh giúp đỡ, động viên nhau sống những ngày cuối đời có ích nhất và cùng góp sức để hạn chế sự lây lan của căn bệnh thế kỷ này.

Văn Ngọc Thủy