Không chỉ là đáng tiếc

Thể thao - Ngày đăng : 05:38, 06/05/2012

(HNM) - Vòng loại Olympic 2012 của thể thao Việt Nam chưa kết thúc nhưng có lẽ việc cử tạ nữ Việt Nam không giành được vé tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh sẽ là một câu chuyện để lại nhiều tiếc nuối. Phía sau nó là không ít vấn đề về huấn luyện và thi đấu…

Đáng tiếc

Ngay trước vòng loại khu vực Châu Á, giải đấu quyết định chiếc vé tới Olympic 2012 của cử tạ nữ Việt Nam, những thông tin có được đủ để các nhà quản lý, HLV tự tin với việc hoàn thành mục tiêu. Hàng loạt quốc gia mạnh về cử tạ nữ như Trung Quốc, Thái Lan, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc… đều không tham dự nội dung đồng đội mà theo đó, các đội từ thứ nhất đến thứ 6 sẽ giành được 1 vé đến London 2012. So sánh tương quan giữa các đội tuyển còn lại, rõ ràng cử tạ nữ Việt Nam có tới 90% cơ hội giành vé. Chỉ cần các tuyển thủ thi đấu đúng sức và HLV chắc chắn trong đường đi nước bước ở khâu chỉ đạo thì mọi việc sẽ hanh thông.

VĐV cử tạ nữ Nguyễn Thị Thúy đã vuột mất cơ hội dự Olympic một cách đáng tiếc.

Sự tự tin của cử tạ nữ Việt Nam trước vòng loại được đẩy lên với việc danh sách 2 tuyển thủ nữ sẽ sang Bulgary tập huấn ngay sau vòng loại châu lục để chuẩn bị cho Olympic 2012 đã được công bố gồm Nguyễn Thị Thúy, Ngô Thị Xuyên. Trong đó, không nói ra thì ai cũng hiểu, Nguyễn Thị Thúy (53kg) sẽ tới Olympic 2012. Thủ tục để hai lực sĩ nữ này sang Bulgary cũng đã được xúc tiến, đủ thấy lãnh đội, Ban huấn luyện đã tự tin tới mức nào.

Thế nhưng không ai học hết chữ ngờ. Đến ngày áp chót của giải, đội nữ Việt Nam vẫn đứng thứ tư. Vậy mà đến ngày cuối, đội nữ Việt Nam lại xuống thứ bảy, bằng điểm với đội thứ sáu Malaysia nhưng thua về chỉ số phụ. Trong 4 lực sĩ được phía Việt Nam và Malaysia đăng ký để tính điểm đồng đội, số lần cử giật, cử đẩy không thành công của các lực sĩ Việt Nam nhiều hơn. Cử tạ nữ Việt Nam mất vé vào phút chót rất đáng tiếc bởi một lý do ít ai ngờ tới. Thực lực của cử tạ nữ Malaysia kém xa Việt Nam, vậy mà đội yếu hơn lại giành vé trong khi đội mạnh hơn lại không thể. "Cầm vàng lại để vàng rơi" - thật quá đáng tiếc về lần mất vé này. Trưởng đoàn cử tạ Việt Nam Đỗ Đình Kháng cũng không biết nói gì hơn sau thất bại trên ngoài từ "Quá tiếc!". Sau Nguyễn Thị Thiết được tham dự Olympic 2004, cử tạ nữ Việt Nam lại phải chờ thêm 4 năm nữa để hoàn thành ước mơ giành quyền tham dự sân chơi danh giá nhất của thể thao thế giới.

Và đáng trách?

Sau thất bại của đội tuyển cử tạ nữ, nhiều người đã tiếc rằng, giá như các lực sĩ Việt Nam đạt thành tích cao hơn một chút thì không trắng tay. Rõ nhất là Nguyễn Thị Thúy, niềm hy vọng số 1 hiện nay của cử tạ nữ Việt Nam. Chỉ cần xếp thứ tư tại hạng 53kg là Thúy đã đưa đội tuyển Việt Nam xếp thứ sáu chung cuộc. Nhưng cuối cùng Thúy xếp thứ năm, không đủ giúp đội tuyển Việt Nam cũng như chính cô có vé dự Olympic 2012. Đáng kể nhất, thành tích tại vòng loại lần này của Nguyễn Thị Thúy thấp hơn tới 10kg (cử tổng 190kg) so với thành tích tại SEA Games 26 (cử tổng 200kg) của chính cô. Tại SEA Games 26, ở lần cử đẩy cuối, chỉ cần thành công ở mức tạ 120kg (trong tập luyện cô đã từng đạt được) là Nguyễn Thị Thúy sẽ giành HCV với mức cử tổng là 205kg. Nhưng một thành viên ở khu kỹ thuật của đội tuyển Việt Nam báo ra với HLV trực tiếp của Thúy là Hoàng Kim Cúc rằng phải nâng mức 121kg mới đoạt HCV. Tin tưởng hoàn toàn người nhà, HLV Hoàng Kim Cúc báo với trọng tài là Thúy đặt mức tạ 121kg. Ở mức tạ này, Thúy không thành công dù lúc đó thể lực của cô hoàn toàn có thể đáp ứng. Cũng vì vậy, Nguyễn Thị Thúy và đội tuyển cử tạ Việt Nam mất 1 HCV SEA Games (cử giật: 85kg, cử đẩy 115kg). Bao nhiêu lỗi đều đổ lên đầu HLV Hoàng Kim Cúc. Chỉ sau 4 tháng, khi không còn được các HLV ruột ở Hà Nội song hành bên sàn đấu, thành tích của Thúy lại sa sút tới 10kg trong khi cô đang ở độ tuổi sung sức. Lần này biết trách ai?

Cũng phải kể thêm, ngay sau khi thử doping tại SEA Games 26, Thúy đã được lãnh đạo bộ môn cử tạ, Tổng cục TDTT gợi ý lên tập trung cùng đội tuyển quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội thay vì tập huấn tại chỗ cùng đội tuyển Hà Nội. Nói là làm, ngay khi đội tuyển quốc gia tập trung cho vòng loại Olympic 2012, ngoài các VĐV TP Hồ Chí Minh, đội tuyển cử tạ quốc gia trong đó có Nguyễn Thị Thúy đều phải tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để được chuyên gia Bulgary dẫn dắt. HLV Hoàng Kim Cúc và Dương Thị Ngọc - những người hiểu rõ Thúy nhất vì những lý do khác nhau không thể lên tuyển.

Cách tập trung mới ở đội tuyển cử tạ quốc gia chưa biết hiệu quả thế nào, chỉ biết, trước vòng loại Olympic khoảng nửa tháng, Nguyễn Thị Thúy đã kể với những HLV ở CLB Hà Nội rằng đang rơi vào tình trạng loạn nhịp tạ. Vì thế, thành tích trong tập luyện cũng giảm sút so với SEA Games 26. Vì những lý do tế nhị, các HLV ở Hà Nội không dám can thiệp. Còn những người có trách nhiệm ở đội tuyển quốc gia giải thích rằng nguyên nhân là do Thúy chưa quen với phương pháp huấn luyện của chuyên gia Bulgary, ở trường phái khác hẳn các chuyên gia Trung Quốc mà Thúy từng thụ giáo từ bé. Biết thế, các HLV ở Hà Nội cũng chỉ dám dự báo rằng Thúy sẽ chỉ đạt đến mức cử tổng 195kg tại vòng loại Olympic khu vực Châu Á dù cả Tổng cục TDTT và ngành thể thao Hà Nội không tiếc tiền đầu tư cho Thúy. Những dự báo của các HLV Hà Nội đã thành hiện thực dù họ không mong muốn như vậy.

Một trong những lý do khiến Malaysia hay Các tiểu vương quốc A rập thống nhất giành vé đến Olympic 2012 vào phút chót là do biết chọn VĐV tham dự các hạng 75kg, trên 75kg. Chính thành tích (dù mức tạ đạt được rất thấp) ở 2 hạng cân này đã giúp 2 quốc gia trên giành vé đến London 2012. Cử tạ Việt Nam lại không cử VĐV nào dự các hạng trên. Nếu có, chắc chắn thứ hạng của đoàn Việt Nam sẽ phải là thứ 4 chung cuộc. Lãnh đội cử tạ Việt Nam nói rằng: "Biết trước thì nói làm gì!".

Rõ ràng các cuộc đấu cử tạ, nhất là tại vòng loại Olympic khu vực Châu Á vừa qua, không phải chỉ diễn ra trên sàn đấu mà còn là cuộc đấu trí của các lãnh đội, HLV từ khi đăng ký VĐV thi đấu.

Minh Quang