Ra ngõ gặp nhà thơ

Xã hội - Ngày đăng : 05:30, 06/05/2012

(HNM) - Xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ vẫn giữ được vẻ yên bình, êm ả của vùng quê thuần nông bên dòng sông Đáy. Và từ bao đời, dòng chảy thi ca đã đi vào cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây, từ lứa tuổi thiếu nhi đến cụ già, nhiều người "xuất khẩu thành thơ"…

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu nói, các chị muốn về tìm hiểu đời sống nông thôn và phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) Hoàng Diệu chứ gì? Tôi nói luôn nhé! NTM là do nông dân làm vì nông dân nên các chị cứ xuống các thôn, xóm, đội sản xuất là rõ. Nhiều tiêu chí khác, xã tôi có thể khó đạt nhưng tiêu chí văn hóa ở đây chắc đạt cao nhất nhì vùng! Anh em cán bộ ủy ban, có người giỏi văn nghệ, làm thơ có người cũng bình bình thôi nhưng đều là thành viên danh dự trong các CLB thơ, ca. Người Hoàng Diệu ai cũng thích hát, thích sáng tác thơ ca, hò vè… thành ra các làng lúc nào cũng vui.

Câu chuyện rôm rả, "nhà thơ" Phan Văn Ấu, làng Cốc Thượng cho biết: Tôi đang chuẩn bị ra tập thơ thứ ba đây, hai tập thơ trước đã được Hội Nhà văn xuất bản. Nói về thơ ca thì cả ngày chẳng hết, từ cô giáo mầm non đến cụ già ai cũng biết làm thơ. Người không biết làm thơ lại giỏi ca hát. Người không giỏi ca hát thì lại hăng hái tập dưỡng sinh, múa quạt. Vậy là ai cũng tìm thấy cho mình không gian sống lý thú. Tiếng là nông thôn song chúng tôi tự làm cho đời sống tinh thần của mình thêm ý nghĩa bằng thơ ca, tiếng hát… Nói rồi, ông Ấu lôi trong túi xách ra một quyển thơ chưa xuất bản, đầy tự hào: nhiều bài thơ của những thi sĩ nông dân Hoàng Diệu đã vượt ra lũy tre làng để đến với bạn đọc qua các cuộc giao lưu, thi thơ. Năm nào làng cũng tổ chức những cuộc thi thơ dành cho bà con. Những thi sỹ đồng quê họ làm thơ tặng nhau, tặng con cháu dù phần thưởng vật chất chẳng có gì nhưng ai cũng vui. Xã có tới cả trăm người tham gia sáng tác thơ, cho ra đời hàng nghìn bài thơ mỗi năm. Người ít cũng sáng tác dăm ba bài cho vui, người nhiều có tới cả trăm bài.

Nhìn dáng vẻ gầy gò, mộc mạc chân chất của ông Ấu ít ai ngờ đằng sau ấy là một con người lãng mạn. Đọc những vần thơ trong bài "Mắt em" của ông làm chúng tôi suy nghĩ mãi về người nông dân - nhà thơ ấy: Cánh chim níu gió khắp nơi/ Mặt sông níu cả nắng trời long lanh/ Tóc em níu hết mây xanh/ Mắt em níu cả hồn anh thẫn thờ.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu - Nguyễn Đắc Dương cho biết, trong bối cảnh phương tiện truyền thông đại chúng bùng nổ với đủ các chương trình giải trí nhưng phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng ở đây hết sức sôi nổi. Chính ông, cũng không lý giải được vì sao dân làng mình lại yêu thơ, yêu văn nghệ đến vậy có lẽ thi ca đã ngấm vào máu thịt của người dân. Để rồi rời tay cày tay cuốc, rời những gánh hàng rong trên phố, người Hoàng Diệu lại lấy thi ca, hò vè làm cho đời sống của mình thêm ý nghĩa. Cả xã có 8 thôn với 11.000 nhân khẩu thì có tới 7 CLB thơ, ca và 2 CLB dưỡng sinh, mỗi CLB ít nhất 30 người tham gia. Sôi động nhất phải kể tới CLB Thơ ca An Vọng, CLB Sông Quê, thôn Bài Trượng, CLB Văn nghệ An Hiền, CLB thơ ca Cốc Thượng…

Phong trào văn nghệ quần chúng ở đây ít địa phương nào sánh kịp bởi sự phong phú về thể loại từ chèo, cải lương, quan họ... Tiếng hát của người dân xã Hoàng Diệu tuy không có sự trau chuốt về từ ngữ, âm điệu nhưng đã phản ánh được muôn mặt đời thường của cuộc sống. Và năm nào người dân Hoàng Diệu cũng tổ chức các đoàn đi giao lưu, dự thi phong trào văn nghệ quần chúng và đều có giải mang về. Người ta chia sẻ niềm hạnh phúc, vĩnh biệt nhau bằng thơ, mừng cưới, mừng thọ nhau cũng bằng thơ. Từ tình cảm những người đồng ngũ đến nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư; từ phê phán thói cờ bạc, nghiện hút đến chấp hành Luật Giao thông cũng đều được truyền tải qua thơ, ca. Qua loại hình thơ ca, dường như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với người dân nhanh và dễ nhớ hơn. Từ khi phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển thì đến nay các phức tạp trong đời sống xã hội hầu như không còn.

Không chỉ các ngày lễ lớn lời ca tiếng hát cất cao, mà mỗi tuần các CLB đều sinh hoạt và mỗi tháng các hội viên các CLB thơ ca trong xã lại tổ chức giao lưu chia sẻ những vần thơ, vở kịch mới… Giữa bao bộn bề lo toan vất vả, tiếng thơ tiếng hát của người Hoàng Diệu giúp cuộc sống thêm phần thi vị… các tệ nạn xã hội trên địa bàn được đẩy lùi.

Bạch Thanh