Chưa thấy công nghệ nào khả thi hơn điện hạt nhân

Công nghệ - Ngày đăng : 05:18, 06/05/2012

(HNM) - Ngày 5-5, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân. Tại đây, nhiều vấn đề "nóng" như câu chuyện có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN), chất lượng xăng dầu, cây trồng biến đổi gen, cơ chế quản lý KHCN... đã được giải đáp.

Lo lắng về nhân lực ngành hạt nhân

Thế giới có 31 quốc gia đang phát triển ĐHN và không phải tất cả đều là nước phát triển mà điển hình là Bangladesh. Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... cũng có kế hoạch phát triển ĐHN. Theo tổng sơ đồ điện 7, đến năm 2020, nguồn cung ứng điện từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) và năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời...) không đủ đáp ứng nhu cầu. Lai Châu sẽ là công trình thủy điện lớn cuối cùng được xây dựng. Trong khi đó, suất đầu tư xây nhà máy điện gió, điện mặt trời quá lớn, người dân Việt Nam không đủ khả năng chi trả và nếu có xây cũng không có công suất lớn. Đặc biệt, từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn phải tính đến phát triển ĐHN vì chưa nhìn thấy một công nghệ sản xuất điện nào khả thi hơn.

Người dân tham quan một mô hình nhà máy điện hạt nhân tại triển lãm quốc tế về điện hạt nhân diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, sau sự cố Chernobyn năm 1986, nhiều quốc gia phát triển đã dừng hoặc hủy bỏ chương trình ĐHN. Nhưng vì chưa tìm được giải pháp thay thế nên sau một thời gian họ lại tái khởi động, kể cả các nước Châu Âu. Sau sự cố Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, nhiều quốc gia một lần nữa dừng chương trình ĐHN. "Nhưng tôi biết rằng, có rất nhiều xu hướng, kể cả tại Nhật Bản vẫn có kiến nghị sau khi nâng cấp mức độ an toàn thì tái khởi động các nhà máy ĐHN này. Nếu làm ĐHN, chúng ta có thể sử dụng được nguồn ODA của các nước phát triển. Trong một chừng mực nào đó, nếu như không có những sự cố khủng khiếp như thảm họa kép động đất, sóng thần thì các nhà máy ĐHN là an toàn và kinh tế hơn so với các nhà máy điện khác. Vì thế, chúng ta đã yêu cầu các đối tác phải nâng mức độ an toàn tại Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 dự kiến khởi công năm 2014 lên cao hơn. Hy vọng trong tương lai, chúng ta có công nghệ khác, nguồn năng lượng khác thì không phải tiếp tục phát triển ĐHN" - Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ sự lo lắng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân nói chung mà nhân lực ĐHN hiện nay nói riêng. Chính phủ sẽ dành 2.000 tỷ đồng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ dành 1.000 tỷ đồng để đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân vận hành nhà máy ĐHN trong tương lai. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực có khả năng rủi ro cao, làm việc vất vả trong khi chúng ta chưa có chính sách đãi ngộ gì nên việc thu hút người trẻ, có trình độ vào học ngành hạt nhân hiện rất khó khăn.

Nhiều chính sách mới sắp được ban hành

Theo nhận định của giới khoa học, sau nhiều năm nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường nhưng nền KHCN vẫn chưa khởi sắc. Tư duy quản lý bao cấp, thủ tục rườm rà, chính sách đãi ngộ lạc hậu... khiến nền KHCN chưa thực sự trở thành động lực phát triển đất nước.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện Bộ KHCN đã, đang và sẽ trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới nhằm thay đổi cơ bản nền KHCN nước nhà, trong đó chú trọng chính sách đãi ngộ người tài, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KHCN, áp dụng chế tài đủ mạnh để xử lý những vi phạm... Đặc biệt, Bộ KHCN kiến nghị Chính phủ cho phép tham gia góp ý vào việc phân bổ kinh phí hoạt động KHCN của địa phương, tránh tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương sử dụng kinh phí này xây trụ sở, làm đường giao thông, đắp đê và làm những việc không liên quan đến KHCN.

Trước thực trạng chất lượng các nghiên cứu ứng dụng khoa học còn thấp, Bộ KHCN đã trình Chính phủ Đề án đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ về tổ chức cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN trong đó lấy đột phá là thay đổi cơ chế xác định và đánh giá chất lượng các đề tài, dự án. "Trước đây xác định đề tài làm theo phương thức đề xuất từ cơ sở, nhưng đề xuất đó nhiều khi chưa bám sát thực tiễn và không được doanh nghiệp đón nhận. Từ năm 2011, chúng tôi đang chuyển dần sang cơ chế đặt hàng, nghĩa là doanh nghiệp sẽ chủ động đặt hàng nhà khoa học theo nguyên tắc, ai đặt hàng người đó hỗ trợ kinh phí, chịu trách nhiệm tiếp nhận kết quả và đưa kết quả vào sản xuất kinh doanh. Tiếp đến là vấn đề nâng cao chất lượng hội đồng đánh giá nghiệm thu cũng như hội đồng xác định nhiệm vụ, tuyển chọn nhiệm vụ KHCN bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học với tiêu chí cao. Chúng tôi hy vọng cùng các đổi mới khác về cơ chế tài chính, 5 năm tới hiệu quả của các đề tài, dự án KHCN sẽ được nâng cao rõ rệt" - Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng khẳng định, cơ quan này không phân biệt tổ chức KHCN công lập, dân lập và cá nhân tham gia nghiên cứu mà quan tâm đến việc họ có ý tưởng sáng tạo, có nghiên cứu đem lại lợi ích cho xã hội hay không? Chính phủ cũng sẽ thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để phát triển KHCN của đơn vị mình. Ngoài ra, việc đặt hàng nghiên cứu qua cơ chế Quỹ phát triển KHCN sẽ được đẩy mạnh để giảm thủ tục thanh quyết toán, giúp các nhà khoa học được trả thù lao xứng đáng, sống được bằng chất xám của mình và ''toàn tâm toàn ý" cho việc nghiên cứu ứng dụng KHCN đem lại lợi ích cho đất nước.

Ba năm qua, hầu như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Khu CNC Hòa Lạc thuộc địa bàn huyện Thạch Thất (Hà Nội) bế tắc. Nguyên nhân một phần là do quá trình GPMB đang thuận lợi thì Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, vì thế nhiều hộ dân trong khu vực này không chấp nhận mức đền bù đã được kiểm đếm, dự toán trước đây. Trước đây Hà Tây cử một Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm nhiệm làm Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, trực tiếp phụ trách công tác đền bù, GPMB. Nhưng 3 năm qua, Hà Nội quá bộn bề với nhiều công việc nên chưa có lãnh đạo cấp thành phố cùng với Bộ làm công việc này. Vừa qua, Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ vốn ODA hơn 200 triệu USD cho xây dựng hạ tầng của Hòa Lạc nhưng để triển khai được cần có mặt bằng. Cố gắng phải hết năm 2013 việc GPMB của 800ha còn lại mới có thể hoàn thành.

Thế Dũng