Làm rõ về sở hữu đất đai và phân công quyền lực nhà nước

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 05/05/2012

(HNM) - Hiện các tỉnh, TP trong cả nước đã hoàn tất công tác tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần đắc lực cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992. Xung quanh vấn đề này, PGS, TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời là Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ (BCĐ) đã có cuộc trao đổi với PV Hànộimới về định hướng sửa đổi lớn trong thời gian tới.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 để tạo ra những hành lang pháp lý cho sự phát triển đất nước trong tương lai là hết sức cần thiết. Ảnh: Bảo Đức


- Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 của BCĐ là nghiên cứu, làm sâu sắc thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của những đề xuất về sở hữu đất đai, vậy BCĐ đã nhận được những đề xuất cụ thể gì?

- Chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai có từ Hiến pháp năm 1980. Từ đó, chúng ta đã xây dựng một loạt luật và các văn bản khác để triển khai. Trong quá trình thực hiện có nhiều mặt được, nhưng cũng nổi lên một số bất cập mà hiện nay chưa làm rõ do Hiến pháp hay do quá trình thực thi chưa đáp ứng được tinh thần và yêu cầu của Hiến pháp. Trong giai đoạn tổng kết tới, cần tiếp tục khảo sát thực tiễn, tổ chức hội thảo để lập luận sâu sắc hơn và chính xác hơn. Phần lớn ý kiến vẫn đề nghị giữ nguyên chế định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" và chú trọng tốt hơn nữa quá trình thể chế hóa vào luật, nghị định. Ngoài ra, cũng có ý kiến, để sở hữu toàn dân thì tính cụ thể chưa rõ về mặt chủ sở hữu. Một số ý kiến khác đề xuất, trong tình hình hiện nay nên đa dạng hóa sở hữu đối với đất đai.

- Như ông đã nói, để sở hữu toàn dân thì tính cụ thể chưa rõ về mặt chủ sở hữu. Liệu BCĐ có đề xuất đa hình thức sở hữu đất đai gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân để rõ chủ thể và giảm tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này?

- Đây mới chỉ là đề xuất và nêu hiện tượng, chưa thể nói là do đất đai sở hữu toàn dân đẻ ra tham nhũng, tiêu cực. Do đó, cần phải tiếp tục thảo luận, khảo sát và chứng minh rõ. Trong các phương án đã đề xuất, phương án nào thuyết phục hơn thì được chấp nhận.

- Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm là quyền công dân. Những quy định về quyền công dân sẽ như thế nào để bảo đảm các quyền này được thực thi cao hơn trong thực tế, thưa ông?

- Hiện một số quyền ghi trong Hiến pháp nhưng chưa được thực hiện do chưa có luật như biểu tình, lập hội. Sau này, phải kiểm điểm trách nhiệm các cơ quan chưa thực thi tốt, không thể chế hóa quyền này. Trước đây, chúng ta ưu tiên phát triển kinh tế, từng bước đổi mới chính trị cho phù hợp. Bây giờ, văn kiện của Đảng xác định "đổi mới đồng bộ cả kinh tế và chính trị", thì sẽ là cơ sở để sớm xây dựng Luật Biểu tình, Luật về Hội. Theo đó, quy định quyền con người, quyền công dân rõ hơn, cơ chế thực thi các quyền này cao hơn và nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo đảm các quyền này.

- Về phân công quyền lực nhà nước, lần này có những đề xuất sửa đổi ra sao?

- Chúng ta không theo nguyên tắc nhà nước tam quyền phân lập, nhưng có học hỏi những hạt nhân hợp lý của nguyên tắc này. Quyền lực nhà nước là thống nhất ở Quốc hội, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng hiện nay sự rành mạch, rõ ràng giữa các quyền này còn vướng mắc, dẫn đến sự phối hợp chưa nhịp nhàng. Ví như, ở nhiều nước nói đến tư pháp là tòa án xét xử, nhưng ở ta nói đến tư pháp còn có cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Nên một số cơ quan nằm trong hệ thống hành pháp vẫn thực hiện chức năng tư pháp. Lần này, nói rõ lập pháp là Quốc hội, hành pháp là Chính phủ và tư pháp là Tòa án.

- Về việc xây dựng chính quyền đô thị, tới đây sẽ đề xuất cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Hiến pháp 1992 hiện hành chỉ quy định là tổ chức chính quyền theo luật định. Lần này, tinh thần là tổ chức chính quyền khác nhau ở các cấp khác nhau, giữa đô thị và nông thôn khác nhau. Trên cơ sở Nghị quyết TƯ 5, Quốc hội đã có nghị quyết thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường. Tới đây, có thể đề xuất chính thức hóa việc thí điểm này. Như vậy, tổ chức chính quyền đô thị là một chính quyền hoàn chỉnh ở cấp thành phố, có HĐND và UBND, còn cấp quận, phường chỉ có UBND.

- Chúng ta có đánh giá việc thể chế hóa, ban hành các văn bản pháp luật để bảo đảm thực hiện Hiến pháp hay không?

- Có chứ. Đây là vấn đề rất lớn cần phải được tổng kết, nghiên cứu kỹ lưỡng để có đánh giá khách quan quá trình xây dựng pháp luật thực thi Hiến pháp 1992, làm rõ thành tựu đạt được và mặt còn hạn chế. Việc làm rõ nội dung nào cần được bổ sung, hoàn chỉnh là rất quan trọng, bởi vẫn còn những vấn đề mà sau nhiều năm thi hành Hiến pháp 1992 vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc. Do vậy, Bộ Tư pháp đang tiến hành tổng kết chuyên đề xây dựng pháp luật bảo đảm thực thi Hiến pháp 1992. Kết quả của chuyên đề này sẽ cho chúng ta thấy để thi hành Hiến pháp 1992 đã có bao nhiêu luật, pháp lệnh được ban hành, đã bao quát đầy đủ các lĩnh vực chưa? Trong quá trình xây dựng pháp luật gặp khó khăn gì từ chính các quy định của Hiến pháp. Tổng kết chuyên đề này sẽ góp phần quan trọng vào việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Phong