Nỗ lực giảm tải, cách nào?

Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 05/05/2012

(HNM) - Quá tải bệnh viện (BV) luôn là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và người dân TP trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều BV tuyến trên, hiện đang xảy ra nghịch lý là càng nỗ lực giảm tải thì lại càng quá tải. Vậy cách nào thực hiện việc giảm tải hiệu quả?


Khoảng 3 năm trở lại đây, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh đã thay đổi giờ khám bệnh, bắt đầu làm việc từ 6h sáng thay vì từ 7h30 như trước; khám bệnh cả giờ nghỉ trưa và điều trị ngày thứ bảy, chủ nhật; đồng thời cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lấy số khám tự động; tăng cường thiết bị máy móc hiện đại (thêm 2 máy xạ trị gia tốc), triển khai nhiều kỹ thuật mới...

Bệnh viện quá tải nên bệnh nhân phải thường xuyên nằm ngoài hành lang (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 1). Ảnh: Đặng Loan


Kết quả là riêng năm 2011, BV đã khám, chữa bệnh ngoài giờ cho 34.000 lượt bệnh nhân, tiến hành 5.500 ca mổ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, vẫn không tránh khỏi tình trạng quá tải khi trung bình mỗi ngày có tới hơn 1.600 lượt bệnh nhân khám và gần 1.700 bệnh nhân nội trú, "quá tải 4-5 lần, 3-5 bệnh nhân nằm một giường bệnh". Mỗi năm số bệnh nhân đến khám tại BV Ung bướu tăng đều đặn 10%, trong khi cơ sở vật chất không được mở rộng, nên không thể đáp ứng nhu cầu. Hơn nữa, theo chỉ tiêu được giao, BV Ung bướu có 1.300 giường nội trú, nhưng thực tế chỉ có 630 giường. Đáng chú ý là số bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến tại BV chiếm đến 70%.

Tình trạng quá tải ở BV Chấn thương - Chỉnh hình TP cũng tương tự, khi đã áp dụng nhiều biện pháp giảm tải nhưng quá tải vẫn... hoàn quá tải, như bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV đã miêu tả là "quá tải từ lối ra vào". Những ngày đầu tuần có từ 2.000 đến 3.000 bệnh nhân chen chúc trong 14 phòng khám. Đặc điểm riêng của BV là không thể nằm ghép giường nên đành kê băng ca cho bệnh nhân. Băng ca ở khắp nơi, chỗ nào kê được là kê. Có khoa bệnh nhân phải chờ mổ 2-3 tuần, cao điểm mùa hè lên đến 6-8 tuần. Trong khi đó, tại hai BV Nhi đồng, tình trạng quá tải lại xuất phát từ các đợt dịch bệnh. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, nguyên nhân gây quá tải là do dịch bệnh trẻ em diễn biến phức tạp quanh năm, do thiếu giường điều trị nhi, mâu thuẫn giữa phát triển kỹ thuật chuyên sâu nhưng không phát triển thêm cơ sở hạ tầng, năng lực chuyên khoa nhi tuyến tỉnh phát triển chậm so với thực trạng bệnh tật ở trẻ em, do chính sách miễn viện phí cho trẻ dưới 6 tuổi và cuối cùng là yếu tố tâm lý chuộng tuyến trên của người dân. Thực tế thì số bệnh nhi vượt tuyến ở BV Nhi đồng 1 chiếm 81%, trong đó bệnh nhân nặng chiếm hơn 30%.

Bức xúc nhất về tình trạng quá tải là các BV chuyên khoa như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Ung bướu, Chấn thương - Chỉnh hình, Phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương... công suất giường bệnh vượt 110-130%, số lượt khám tăng 107%, bệnh nhân ngoại trú tăng 152%, bệnh nhân nội trú tăng 130%... so với kế hoạch. Đáng lo ngại, hiện tượng quá tải lại là một thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ông Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế cho rằng, sự quá tải là do nhu cầu cao gấp 5-10 lần khả năng; số lượng bệnh nhân quá đông dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hằng năm TP chỉ có khoảng 200 bác sĩ ra trường trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 400 bác sĩ/năm.

Nhằm từng bước giải quyết tình trạng quá tải, năm 2012 TP sẽ triển khai 3 dự án trọng điểm về bệnh viện đa khoa ở Thủ Đức, Củ Chi và Hóc Môn, xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu ở quận 9, xây dựng Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình mới ở khu Trung Sơn, Bệnh viện Nhi tại Tân Kiên (huyện Bình Chánh) quy mô 1.000 giường; đầu tư trang thiết bị cho các bệnh viện quận 1, quận 2, chuẩn bị công tác đầu tư cho y tế các quận 7, quận 8, Thủ Đức, Gò Vấp, Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi... Theo đề án giảm tải hệ thống bệnh viện chuyên khoa, đa khoa đang xây dựng trình Chính phủ phê duyệt, TP đặt mục tiêu xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để đến năm 2015 có thêm 5.500 giường bệnh, 15 bác sĩ/10.000 dân (tỷ lệ này hiện tại là 8,8/10.000 dân - cao nhất cả nước). Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đầu tư giảm tải BV từ nay đến năm 2015 là khoảng 15.700 tỷ đồng. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, TP sẽ tiếp tục nâng cao năng lực điều trị ở tuyến cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, đặt mục tiêu đến năm 2015 TP sẽ giảm tải khoảng 70%. Trước mắt, ngay trong năm 2012, TP chọn 5 quận, huyện là Bình Tân, Tân Phú, Hóc Môn, Thủ Đức và quận 10 triển khai thí điểm chương trình bác sĩ gia đình để vừa giảm tải vừa tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh ngay từ cơ sở.

Chí Kiên