Điều đáng báo động
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 05/05/2012
Nhưng nguy cơ giặc lửa vẫn chực chờ bùng phát khi mà tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn biến phức tạp trên diện rộng. Theo Ban Chỉ đạo Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, ảnh chụp vệ tinh ngày 2-5 phát hiện cả nước có tới 348 điểm cháy rừng. Ngay tại Hà Nội trong ngày 2-5 cũng xảy ra cháy ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, là 1 trong 5 điểm cháy lớn nhất ghi nhận được, thiệt hại khoảng 40 hécta rừng trồng.
Nguyên nhân của phần lớn các vụ cháy rừng là do thời tiết nắng nóng khô hanh khiến cho vạn vật dễ phát lửa, bắt lửa. Nhưng không thể vì thế mà bỏ qua trách nhiệm của con người. Ít ngày trước khi xảy ra vụ cháy rừng nam Hải Vân, ngành nông nghiệp Đà Nẵng khẳng định đã triển khai phương án phòng, chống cháy rừng. Các cánh rừng đặc dụng như rừng Hải Vân thường có nhiều hoạt động du lịch, gần đường giao thông... nên đã được tỉnh nâng mức báo động cháy lên cao nhất.
Vậy nhưng, sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra. Chính vì vậy mà việc nâng cao ý thức, tính chủ động, đặc biệt là chủ động trong điều hành quản lý của các cấp có thẩm quyền có ý nghĩa quyết định. "Nước xa khó cứu lửa gần", để xảy cháy rồi mới huy động nhân lực, vật lực để dập thì chắc chắn đã muộn. Vụ cháy ở rừng nam Hải Vân tuy ở gần TP Đà Nẵng nên việc huy động con người có nhiều thuận lợi, cũng phải mất hàng chục giờ mới có thể khống chế lửa và thiệt hại vẫn không hề nhỏ.
Trách nhiệm sẽ chẳng thuộc về ai nếu như không có những cơ chế rành mạch, không có những cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm. Thời tiết hanh khô, rừng dễ bắt lửa, nhưng ai kiểm soát nguồn lửa nếu không phải bắt đầu từ các cấp quản lý? Ai chịu trách nhiệm khi hằng ngày, hằng giờ vẫn còn những đối tượng khai thác khoáng sản, lâm sản hoạt động, rừng trở thành nơi trú ẩn của lâm tặc? Ai là người có trách nhiệm tuyên truyền, ngăn chặn người dân đốt rừng làm rẫy? Ai tổ chức kiểm soát, ngăn chặn và báo cháy?...
Hai tháng trước, ngày 6-3, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, bảo vệ tài nguyên rừng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo, tổ chức các đội kiểm lâm cơ động kiểm tra, nghiêm cấm việc khai thác lâm sản trái phép; không được mang lửa, chất nổ và chất dễ cháy vào rừng; phá rừng, đốt nương, làm rẫy; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó; chỉ đạo UBND các cấp huyện, xã có rừng tổ chức lực lượng thường trực, tuần tra bảo vệ rừng…
Đặc biệt, những địa phương để xảy ra cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Song trên thực tế, chưa có cán bộ nào bị xử lý. Ngược lại, đối tượng bị xét xử chủ yếu là người dân nghèo, nhận thức về pháp luật còn rất hạn chế nên tính răn đe cũng hạn chế.
Đặt mức cảnh báo cháy rừng với người dân, nhưng điều ấy sẽ vô nghĩa khi nó chỉ là tờ giấy không được triển khai nghiêm túc trong thực tế. Cháy rừng, dân thiệt, Nhà nước thiệt, còn trách nhiệm thì hòa cả làng. Đó chính là điều đáng báo động!