Cách nào “quản” đại lý kinh doanh game ?

Xe++ - Ngày đăng : 07:37, 04/05/2012

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vẫn tiếp tục tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định (NĐ) mới thay thế NĐ 97/CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên internet.


Cần có biện pháp hữu hiệu để quản lý các đại lý kinh doanh game online.
Ảnh: Khánh Nguyên

Theo dự thảo mới, các điểm truy nhập internet công cộng đăng ký là các cá nhân, hoặc các đơn vị kinh doanh về khách sạn, nhà hàng, sân bay, bến tàu, bến xe, quán cà phê chỉ được mở internet từ 8h đến 22h hằng ngày. Với các đại lý cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (chủ yếu là các điểm kinh doanh game online) phải có thêm các điều kiện hoạt động, như cách cổng các trường tiểu học, THCS, THPT từ 200m trở lên; bảo đảm tổng diện tích các phòng máy tối thiểu 50m2, bố trí tối thiểu 1m2 cho một máy tính… Cũng theo số liệu của Bộ TT-TT, cả nước hiện có hơn 30.000 đại lý internet mà chủ yếu là điểm kinh doanh game online.

Để các điểm kinh doanh internet, cụ thể là các đại lý kinh doanh game hoạt động theo đúng quy định, điều quan trọng là phải làm rõ trách nhiệm quản lý để các đại lý làm đúng quy định. Liên quan đến việc quản lý này, phải nhắc tới 3 nhóm đối tượng. Đó là việc quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, của các DN cung cấp đường truyền và cuối cùng là DN cung cấp game. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương thì điều này cũng đã rõ vì có tới 3 cấp cùng thực hiện thanh, kiểm tra đó là phường, quận và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của địa phương mà cụ thể là sở TT-TT. Được biết, hằng năm các cơ quan quản lý nhà nước này đều có kế hoạch thanh, kiểm tra đại lý internet trên địa bàn, ngoài ra họ còn thực hiện kiểm tra đột xuất. Vấn đề là họ có quyết liệt thực hiện hay không. Nhưng ở khối DN, gồm DN cung cấp đường truyền internet và DN cung cấp game đang bộc lộ vấn đề mà nếu không làm rõ trách nhiệm, e rằng mọi nỗ lực thực hiện quản lý các đại lý có thể bị phá sản. Cho đến nay, các quy định vẫn chỉ yêu cầu DN viễn thông ngắt đường truyền mà chưa yêu cầu DN cung cấp game ngừng dịch vụ theo giờ quy định. Thực tế từ việc kiểm tra trên địa bàn Hà Nội cho thấy, với quy định này, chủ các đại lý "lách" bằng cách sử dụng thêm đường truyền khác của DN viễn thông khác dưới hợp đồng cá nhân… Sự thật là các đại lý game online vẫn có thể tìm "hướng" hoạt động khác để mở game nhờ vào kẽ hở chưa ràng buộc trách nhiệm của DN cung cấp game. Do vậy, có thể thấy kiến nghị của các DN cung cấp dịch vụ đường truyền internet cho rằng dự thảo NĐ mới nên có quy định yêu cầu DN cung cấp game phải chặn game theo quy định là hoàn toàn có lý. Vì DN cung cấp game đều nắm rõ địa chỉ IP (được coi là số nhà trên internet) của các đại lý nên có thể đóng, mở theo giờ quy định và TP Hồ Chí Minh đã thành công trong việc yêu cầu các DN kinh doanh game online có biện pháp kỹ thuật ngừng cung cấp game theo giờ quy định.

Một DN cung cấp game lớn cho rằng, dự thảo NĐ mới có một số quy định rõ về khoảng cách, thời gian mở, đóng cửa của đại lý internet và cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thực hiện thanh, kiểm tra hơn là bắt DN game ngừng dịch vụ vì chủ đại lý có thể thay đổi địa chỉ IP… Tóm lại là "đẩy" trách nhiệm sang cơ quan quản lý nhà nước. Trên lý thuyết, việc các chủ đại lý lại tìm cách "lách" bằng việc thay đổi địa chỉ IP hoặc cách gì đó để được kinh doanh game là điều có thể xảy ra, song với các nhà cung cấp game và nhà cung cấp đường truyền việc dò tìm không khó.

Việc phải đưa hoạt động của các đại lý internet mà cụ thể là game online vào quản lý là hoàn toàn có lý, vì nhiều vấn đề phức tạp, nhức nhối trong xã hội như thanh, thiếu niên mải chơi game dẫn tới trốn học, trộm cắp, hoặc bị ảnh hưởng từ môi trường bạo lực, kích dục từ game… Quản lý dịch vụ này cũng là nhằm lành mạnh cho xã hội. Thực tế, ngay cả ở những nước phát triển, những quốc gia được coi là cởi mở cũng đều có biện pháp quản lý các điểm kinh doanh internet công cộng và không cho phép mở tràn lan, chỉ cho các trung tâm thương mại, siêu thị kinh doanh dịch vụ này.

Việt Nga