Huyện Ba Vì: Nhiều khó khăn trong dồn điền đổi thửa

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 04/05/2012

(HNM) - Việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tạo điều kiện cho nông dân tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng cỏ chăn nuôi bò, vùng nuôi thủy sản.


Tuy nhiên để đáp ứng với yêu cầu của nông nghiệp Thủ đô, huyện Ba Vì đặt mục tiêu mỗi hộ chỉ còn 1 thửa ruộng và phải hoàn thành DĐĐT ở tất cả các, xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp ổn định. Đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận cao của nhân dân.


Mô hình nuôi bò thịt ở xã Minh Châu (Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiệu quả từ xã điểm

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết, công tác DĐĐT ở xã được triển khai cách đây 6 năm. Đảng ủy, UBND xã ban hành nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch chỉ đạo các HTX. Lúc đó, UBND huyện Ba Vì có cơ chế hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha chuyển đổi và UBND xã hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để xây dựng cơ sở hạ tầng. HTX Cổ Đô được chọn làm điểm thành công, sau đó mở rộng tiếp 3 HTX còn lại. Xã Cổ Đô có 4 thôn, tương ứng với 4 HTX, tổng diện tích đất nông nghiệp 331ha, khi chưa DĐĐT trung bình mỗi hộ dân có từ 14 đến 18 thửa, mỗi thửa trung bình khoảng 160m2. Sau khi thực hiện DĐĐT, hộ nhiều nhất còn 4 thửa, hộ ít còn 2-3 thửa. Toàn bộ diện tích trồng trọt hiệu quả thấp, những cánh đồng trũng được chuyển sang xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi. Đây là cơ sở quyết định cho việc hình thành những trang trại lớn, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Cổ Đô. DĐĐT đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như máy gặt đập liên hợp, thực hiện gieo sạ lúa theo hàng, vụ lúa vừa qua xã có tổng số 262ha trong đó có 182ha được gieo sạ; 70% làm đất cơ giới hóa. Hiệu quả sử dụng đất trên diện tích tăng 2,7 lần; năng suất lúa đạt 65,67 tạ/ha/vụ. Sau khi DĐĐT, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, Cổ Đô đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả như vùng chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản rộng 20ha; khu vực đồng trũng 150ha chuyển sang nuôi thủy sản thuộc HTX Tân Đô và vùng còn lại có diện tích khoảng 200ha trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu.

Công tác DĐĐT bước đầu đã đạt được một số kết quả, song so với kế hoạch đề ra, tiến độ thực hiện còn chậm. Từ năm 2006 đến nay, huyện Ba Vì đã ban hành 14 nghị quyết, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác DĐĐT. Ở 15 thôn, 5 HTX sau khi DĐĐT mỗi hộ còn từ 2-4 thửa. Trong đó hộ dân tự dồn đổi ruộng cho nhau là 617ha và chỉ có 586ha dồn đổi theo phương án phê duyệt. Đến nay, toàn huyện vẫn còn bình quân 8 thửa/hộ. Do đó, hầu hết các xã đã DĐĐT trong giai đoạn từ 2006 đến nay phải dỡ ra làm lại do số ô, thửa sau khi dồn vẫn còn nhiều.

Còn nhiều gian nan

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, qua đánh giá công tác DĐĐT tại các xã trên địa bàn huyện, đặc biệt là các xã Khánh Thượng, Minh Quang, Cổ Đô và Minh Châu cho thấy một số tồn tại trong công tác DĐĐT của huyện: các xã chủ yếu vận động nhân dân tự dồn đổi cho nhau mà không xây dựng phương án và triển khai thực hiện DĐĐT theo hướng dẫn của huyện, nhưng không thực hiện đầy đủ các bước theo kế hoạch đề ra. Các xã thực hiện DĐĐT chưa gắn với quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch sản xuất nên sau khi dồn đổi vẫn còn manh mún, dồn đổi xong lại tiếp tục phải dồn lại gây tốn kém. Một số xã chỉ chọn khu vực thuận lợi như Minh Quang, Khánh Thượng, Vạn Thắng, Tản Hồng… không làm trên địa bàn toàn thôn, toàn xã. Do vậy sau khi dồn đổi, tính trung bình toàn xã số thửa/hộ vẫn nhiều chưa tiện canh nên nông dân chưa thực sự phấn khởi tham gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn Hải cho rằng: Công tác vận động, tuyên truyền có vai trò rất lớn trong công tác DĐĐT gắn với áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân, xây dựng NTM. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác DĐĐT và chọn bộ máy cán bộ làm công tác DĐĐT phải có năng lực, tâm huyết, gắn bó với sản xuất nông nghiệp và nhân dân, cán bộ thôn, HTX phải am hiểu đồng ruộng, có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân sẽ thực hiện tốt công tác DĐĐT. Nhất thiết gắn công tác DĐĐT với quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, công bố rộng rãi cho nhân dân thực hiện. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ DĐĐT, bảo đảm xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương. Huyện Ba Vì phấn đấu từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành công tác DĐĐT ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, mỗi hộ chỉ còn 1 ô thửa. Trong năm 2012 phấn đấu thực hiện xong DĐĐT tại xã Phú Cường và Cổ Đô, làm tiền đề triển khai ra các địa phương khác.

Bạch Thanh