Trách nhiệm không của riêng ai

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 04/05/2012

(HNM) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN), trong quý I-2012, cơ quan pháp luật đã khởi tố 55 vụ/104 bị can, truy tố 67 vụ/163 bị can về các tội danh tham nhũng (cả số vụ và số bị can đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2011), tòa án đã xét xử sơ thẩm 36 vụ/67 bị cáo...


Riêng với 27 vụ án tham nhũng mà Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, đến nay đã xét xử 7 vụ , tòa án đang thụ lý 3 vụ, viện kiểm sát đang xem xét truy tố 4 vụ, điều tra 9 vụ... Những con số này phần nào cho thấy công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực , sách nhiễu… không chỉ làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, bóp méo mô hình cạnh tranh, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Không dừng lại ở căn bệnh của số ít người nắm giữ quyền lực, tham nhũng đã thật sự trở thành "quốc nạn". Và một điều không mới nhưng vẫn rất bức xúc là tình trạng tham nhũng ở nước ta đang diễn biến hết sức phức tạp với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…

Nhận thức rõ những nguy cơ của nạn tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của chế độ, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm đẩy lùi tệ nạn này. Tuy nhiên, có thể thẳng thắn cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu, nếu không nói là còn nhiều hạn chế, yếu kém. Ban chỉ đạo TƯ cũng đã thừa nhận: không có trường hợp nào xử lý trách nhiệm người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập còn chậm; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm, kéo dài…

Trong Văn kiện Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), công tác phòng, chống tham nhũng được xác định với một quyết tâm và yêu cầu mới cao hơn, nhằm đạt được những kết quả rõ rệt hơn. Tại phiên họp của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh, cùng với việc xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, công khai, minh bạch các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, cần tập trung vào khâu phát hiện và phòng ngừa, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… Xử lý tới nơi, tới chốn những kết luận của thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu của tham nhũng, tiêu cực…

Trong số rất nhiều giải pháp phòng, chống tham nhũng, việc xử lý kiên quyết, kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng… là hết sức cần thiết. Cùng với đó là việc công khai danh tính những người thực hiện hành vi tham nhũng dù bất kể ở chức vụ nào, bất kể đương chức hay đã nghỉ hưu... Một vấn đề cấp bách là phải bịt kín những kẽ hở pháp luật vốn là "mảnh đất" gieo mầm cho tham nhũng nảy nở, phát triển và kéo dài. Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế tiền lương, tiền công phù hợp, đồng thời có biện pháp răn đe những "công bộc" của nhân dân để họ không nghĩ tới và không tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng không chỉ là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, của các cơ quan chức năng trong bộ máy công quyền mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và mỗi người dân. Nếu xóa bỏ được tư duy "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" và tạo dựng được văn hóa ứng xử , văn hóa kinh doanh dựa trên quan hệ lành mạnh, chắc chắn nạn tham nhũng không có nhiều "đất" để phát triển. Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm, là công việc không của riêng ai.

Thế Phương