Hiểu méo mó về xã hội hóa

Công nghệ - Ngày đăng : 06:47, 04/05/2012

(HNM) - Mặc dù được coi là nhu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp (DN) và tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) nhưng thời gian qua, xã hội hóa (XHH) hoạt động KHCN vẫn chưa được coi trọng.


Ông Phong khẳng định: XHH các hoạt động KHCN xuất phát từ vai trò quan trọng của nó trong phát triển đất nước và được cụ thể hóa trong kết luận của Hội nghị TƯ 6 Khóa IX là "Từng bước chuyển các tổ chức KHCN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, được hoạt động theo cơ chế DN…". Thời gian qua, việc này đã được quan tâm hơn, nhưng theo tôi vẫn là chưa đủ vì nhận thức của xã hội về XHH chưa thống nhất. Nơi này hay nơi kia còn có sự cắt xén, hiểu lệch lạc, thậm chí bóp méo hay lạm dụng trong cách hiểu, cách làm nên kết quả chưa tốt.


Giờ thực hành của sinh viên Công nghệ sinh học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP Hồ Chí Minh.    Ảnh: Chí Lâm


- Theo ông, XHH hoạt động KHCN ở nước ta đang gặp những trở ngại gì?

- Như đã nói ở trên, XHH hoạt động KHCN chưa được hiểu đúng và đủ nên việc ứng dụng, đổi mới KHCN chưa được coi trọng và chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tôi xin nêu vài nguyên nhân chủ yếu: Đó là việc đầu tư từ ngân sách và của xã hội cho phát triển KHCN còn thấp; công tác quản lý KHCN nặng tính hành chính; thị trường KHCN chưa phát triển và chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để vừa khuyến khích, vừa đòi hỏi DN đổi mới công nghệ (ĐMCN). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ KHCN còn thiếu và yếu.

Đặc biệt, khâu yếu kém nhất, theo tôi là sự phối hợp hoạt động KHCN giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu (VNC) và các DN. Các trường ĐH và VNC chưa năng động đầu tư ĐMCN. Ngoài kênh cấp vốn trực tiếp, nguồn tín dụng được huy động cho đầu tư ĐMCN đang ở phạm vi và quy mô rất nhỏ bé, trong khi nhiều kênh huy động vốn khác vẫn chưa được thực hiện nhiều ở Việt Nam (như vườn ươm công nghệ; vốn đầu tư mạo hiểm…). Tại các DN thì đầu tư cho KHCN còn thấp, chưa liên tục và chưa hướng tới mục tiêu sáng tạo công nghệ trong dài hạn. Đến nay, mới có DN có vốn đầu tư nước ngoài và một số DN nhà nước quy mô lớn là có cơ sở hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ. Chưa có nhiều DN trong nước cung cấp thiết bị, công nghệ được thị trường chấp nhận. Đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D) của các tập đoàn và tổng công ty lớn trung bình chỉ chiếm khoảng 0,25% doanh thu, tỷ lệ này là quá thấp so với tỷ trọng 5-10% của DN tại các nước phát triển.

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hữu hiệu khuyến khích trường ĐH, VNC cũng như các nhà khoa học chuyển kết quả nghiên cứu thành sản phẩm công nghệ. Nhà nước mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu chứ chưa đầu tư cho chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Nhiều năm qua, đầu tư ĐMCN chủ yếu phụ thuộc vào Nhà nước mà nguồn vốn đầu tư thực hiện khá dàn trải. Hàng loạt chính sách như chính sách bảo hộ bất hợp lý, môi trường kinh doanh chưa bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chế độ bao cấp và những đặc quyền cho các DN nhà nước đã tạo ra sự méo mó trong định hướng đầu tư và kinh doanh, làm cho DN thường dựa vào tầm nhìn ngắn hạn, khai thác các quan hệ để tìm kiếm lợi nhuận nhanh hơn là có chiến lược kinh doanh dài hạn. DN nhà nước chưa năng động, chưa thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư cải tiến, ĐMCN, trong khi lẽ ra chính họ phải là chủ thể quyết định.

- Để khắc phục tình trạng trên, theo ông cần có những giải pháp gì?

- Theo tôi cần chú ý đến 3 vấn đề sau: Thứ nhất, cần tăng cường chính sách khuyến khích DN đầu tư cho hoạt động R&D và chủ động hợp tác, liên kết đầu tư ĐMCN với các tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình thức. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích DN có vốn đầu tư nước ngoài liên kết với các tổ chức KHCN trong nước và ứng dụng sản phẩm công nghệ trong nước sản xuất; tạo điều kiện để họ góp vốn cổ phần vào các công ty đầu tư mạo hiểm, các DN KHCN giống như DN trong nước.

Thứ hai, đó là cần đổi mới các tổ chức R&D thông qua đa dạng hóa các mối liên kết giữa trường ĐH, VNC, DN. Đặc biệt là nên đẩy mạnh việc phát triển các DN KHCN trên phạm vi cả nước. Vấn đề cuối cùng cần chú ý, đó là Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về hệ thống pháp luật liên quan tới chuyển giao công nghệ, bảo đảm quyền lợi về sở hữu công nghiệp… cho các đối tượng có liên quan. Đặc biệt, cần hết sức coi trọng việc điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống chế độ định mức chi tiêu và quản lý tài chính theo hướng mềm dẻo hơn, phù hợp với yêu cầu thực tế và khả năng tài chính của đơn vị, địa phương cũng như trao nhiều hơn quyền tự chủ cho đơn vị và cá nhân chủ trì thực hiện các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN. Cần nhanh chóng bãi bỏ các quy định quản lý tài chính cứng nhắc theo năm ngân sách và các định mức, thủ tục hình thức, chuyển mạnh sang quản lý tài chính mang tính thực chất và coi trọng đến kết quả đầu ra. Nếu thực hiện được những vấn đề này, tôi tin chắc hoạt động KHCN ở Việt Nam sẽ có nhiều thành công hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Phương Hoàn