Châu Á đối mặt với rác điện tử
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 04/05/2012
Công việc của nhiều người dân Quý Dữ là chọn đồ điện tử cũ, nhặt nhạnh những linh kiện có thể tái chế hoặc tái sử dụng, đốt dây dẫn để lấy lõi đồng, chiết xuất vàng từ vi mạch điện tử trong các bể axit... Những quá trình này đã gây một lượng khí thải và chất hóa học rất nguy hiểm cho môi trường đất và đặc biệt với con người. Điều đáng lo ngại là nguồn đất ở Quý Dữ đã có dấu hiệu bão hòa các loại kim loại nặng như crom, chì, thiếc... Nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm tới mức không thể uống trực tiếp được.
Lượng lớn rác thải điện tử trên thế giới đang nằm ở Châu Á. |
Quý Dữ chỉ là một trong những "bãi rác" của khu vực khi Châu Á không chỉ trở thành điểm đến của các nhà sản xuất điện tử trong nước, mà còn là nơi "tiêu thụ" rác thải điện tử của thế giới. Số liệu mới đây của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cho thấy, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 20 đến 50 triệu tấn rác điện tử, trong đó phần lớn là các nước Châu Á. Chỉ riêng năm 2010, Trung Quốc đã thải ra môi trường 2,3 triệu tấn rác thải điện tử và đến năm 2020 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này dự kiến sẽ vứt đi số điện thoại di động cao gấp 7 lần so với hiện nay. Báo cáo của UNEP cũng chỉ ra rằng, một nửa số rác thải điện tử đang được xử lý ở Trung Quốc là có nguồn gốc từ chính nước này. Trong khi đó, Thái Lan, Malaysia… cũng đang trở thành địa chỉ của rác thải điện tử trong khu vực với tốc độ tăng nhanh từng ngày khiến các nhà hoạch định chính sách phải đau đầu.
Mặc dù các nhà sản xuất luôn cam kết thực hiện các tiêu chuẩn toàn cầu nghiêm ngặt về quản lý rác thải điện tử với các chương trình tái chế khắp thế giới để tuân theo pháp luật, thế nhưng, thực tế đã không diễn ra như vậy. Hiện thế giới có khoảng 75 đến 85% rác điện tử được chôn thẳng xuống đất hoặc đốt. Dự kiến vào năm 2013 thế giới có khoảng 60 triệu tấn rác điện tử cần phải được tái sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy.
Một số ý kiến cho rằng, kinh doanh rác thải điện tử là một ngành công nghiệp ăn nên làm ra và thậm chí trở thành một ngành kinh doanh phi pháp rất có lời. Tuy nhiên, những nơi tập trung rác thải điện tử sẽ bị nhiễm các chất độc hại như chì, thủy ngân và một số chất hóa học độc hại khác. Những chất độc này nhanh chóng theo nước, không khí... xâm nhập vào cơ thể con người, gây ra những hậu quả khó lường.
Khi Châu Á tiếp tục trở thành "đại công trường" của thế giới, rác thải điện tử vẫn sẽ là vấn đề nhức nhối không của riêng quốc gia nào.