Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Lục địa già thấp thỏm
Thế giới - Ngày đăng : 06:05, 04/05/2012
Theo các nhà phân tích, rất khó dự đoán kết quả cuộc bầu cử. Thông qua phản ứng của người dân Hy Lạp trong thời gian gần đây có thể thấy rằng, không có chính đảng nào đủ sức mạnh một cách thuyết phục để giành vị trí "thuyền trưởng" chèo lái đất nước trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này. Nhiều cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy, mức độ tín nhiệm của các đảng phái tham gia tranh cử không cao. Vị trí "hoành tráng" nhất là đảng Dân chủ mới cũng chỉ có thể giành được khoảng 23% số phiếu bầu. Đứng thứ hai là đảng Xã hội cầm quyền (PASOK) với 16%. Các đảng phái nhỏ khác không có nhiều hy vọng vượt qua con số 10% cử tri ủng hộ. Đây là hệ quả của tình trạng kinh tế nguy ngập kéo dài suốt hai năm qua tại đất nước này.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Hy Lạp lên tới 50%. |
Để nhận được hai gói cứu trợ với tổng trị giá 240 tỷ euro từ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm thoát khỏi vực thẳm vỡ nợ, người dân Hy Lạp phải liên tiếp hứng chịu những chính sách khắc khổ dội xuống đầu khiến cuộc sống trở nên khó khăn ghê gớm. Không mấy người có thể nhớ được Hy Lạp đã tung ra bao nhiêu chính sách thắt lưng buộc bụng kể từ ngày cuộc khủng hoảng nợ bùng phát năm 2010, nhưng rất nhiều người có thể nhớ chính xác cuộc sống của họ đã xuống cấp đến mức nào sau chừng đó quyết sách của chính phủ. Những câu chuyện đời khốn khổ giờ đây tràn ngập trên báo chí Hy Lạp và gánh chịu nhiều nhất lại là những người trẻ. Ở Hy Lạp, 50% lao động trẻ (từ 18 đến 25 tuổi) rơi vào cảnh thất nghiệp. Lương dành cho công chức nhà nước cũng bị cắt giảm tới 50%.
Chưa dừng lại ở đó, những gì đang chờ đợi trong tương lai có vẻ tồi tệ hơn khi Hy Lạp đang phải tìm mọi cách cắt xén thêm 325 triệu euro trong chi tiêu ngân sách của năm 2012. Lao động trong khu vực công bị đưa vào danh sách "chờ sa thải" từ giờ đến cuối năm lên tới 15.000 người. Chính sách tăng lương tự động dựa theo thâm niên bị xóa sổ, tức có làm lâu nữa cũng sẽ không được tăng lương. Một loạt trợ cấp xã hội, y tế bị xóa bỏ và việc xét duyệt trợ cấp ngày càng khó khăn hơn. Hàng loạt doanh nghiệp và nhà máy sẽ bị đóng cửa hoặc tư hữu hóa. Khủng hoảng kinh tế đang dần chuyển sang khủng hoảng xã hội khi các vụ trộm cắp liên tục gia tăng, biểu tình thì diễn ra triền miên. Ngày càng nhiều người Hy Lạp có suy nghĩ thà xuống đường còn hơn là đi làm với mức lương ít ỏi.
Chính vì đã chán ngấy các biện pháp cắt giảm chi tiêu nên khả năng các cử tri quay lưng với đảng Dân chủ mới và PASOK - hai chính đảng thay phiên nhau cầm quyền suốt gần 30 năm qua tại Hy Lạp - là rất cao. Đây là cơ hội để nhiều đảng nhỏ lần đầu tiên "đặt chân" vào Quốc hội. Theo kết quả thăm dò dư luận, cơ quan lập pháp của Hy Lạp sẽ bao gồm ít nhất 8 đảng sau kỳ bầu cử lần này, trong đó sốc nhất là Bình minh vàng - một đảng cực hữu ủng hộ tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa phát xít.
Hiện tại, chỉ có đảng lớn là Dân chủ mới và PASOK ủng hộ gói cứu trợ của EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong trường hợp tổng số phiếu bầu cho hai đảng đạt 35-40% và lãnh đạo hai đảng này nhất trí liên kết để thành lập chính phủ, lộ trình cứu trợ mới có khả năng được duy trì. Tuy nhiên, một liên minh tả - hữu giữa PASOK và Dân chủ mới là điều chưa từng xảy ra ở Hy Lạp trong nhiều năm qua. Hay nói theo cách khác, các nhà lãnh đạo EU cần tính đến phương án đảng Dân chủ mới hoặc PASOK phải đàm phán với nhiều đảng nhỏ để thành lập chính phủ và quá trình này có thể tốn không ít thời gian. Điều này trước mắt có thể ảnh hưởng tới những quyết sách mới mà Athens phải đưa ra để nhận được 11 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai vào tháng 6 tới. Đó là còn chưa tính đến trường hợp nếu các đảng nhỏ không đồng ý hợp tác để tiếp tục triển khai các gói cứu trợ từ bên ngoài, mọi nỗ lực của EU và IMF dành cho Hy Lạp suốt thời gian qua sẽ có nguy cơ "đổ ra sông ra bể". Tương lai đồng euro sẽ một lần nữa đứng trước nguy cơ rủi ro từ những động thái của xứ sở các vị thần.