Bầu cử Tổng thống Pháp: Tranh luận nảy lửa
Thế giới - Ngày đăng : 15:04, 03/05/2012
Bầu không khí căng như dây đàn khi hai ứng cử viên Nicolas Sarkozy và Francois Hollande liên tục cướp lời nhau, tranh cãi từng con số- nhiều khi chênh lệch nhau theo cách đánh giá riêng có lợi cho từng phe, phát hiện và chỉ trích lỗi của nhau cũng như phê phán chính sách, đề xuất của đối thủ trong từng chi tiết.
Về các chủ đề cụ thể, hai ứng cử viên cuộc đấu loại chung kết bầu cử Tổng thống Pháp vào sáng Chủ nhật tới đã tranh cãi về hầu hết các vấn đề mà người dân Pháp quan tâm nhất, từ nợ công, chính sách thuế khóa, cải cách giáo dục, khủng hoảng khu vực đồng euro, chuyện thay đổi hiệp ước chung châu Âu, vai trò của ngân hàng Trung ương châu Âu, chính sách đối với người nhập cư nước ngoài hay chương trình điện hạt nhân của nước Pháp…
Hai ứng viên tổng thống Pháp Francois Hollande và Nicolas Sarkozy (Ảnh: RFI)
Ông Hollande tập trung chỉ trích đương kim Tổng thống đã không thể cải thiện các vấn đề trong 5 năm nhiệm kỳ của ông Sarkozy mà trong cả 5 năm nắm giữ vị trí Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nội vụ, đặc biệt là làm tăng mức nợ công lên cao kỉ lục.
“So với mức nợ công 900 tỉ euro vào năm 2002, chính quyền của ông Sarkozy đã làm tăng gấp đôi lên mức 1800 euro trong năm nay, mức cao chưa từng có trong lịch sử. Đó là trách nhiệm của chính quyền sắp mãn nhiệm. Lãi suất của nợ cũng rất cao, ngang với khoản thu được từ đánh thuế thu nhập, thế là quá cao. Ông Sarkozy đã được người dân bầu vào năm 2007 vì tin tưởng có chính sách tài khóa tốt, nhưng ông đã không thực hiện lời hứa với công chúng”- Ông Hollande nói.
Trong khi đó, Sarkozy đi vào "mổ xẻ" từng đề xuất chính sách của ông Hollande, đặc biệt là đề xuất đánh thuế 75% vào những người có thu nhập cao chót vót ở Pháp: “Ông Hollande liệu ông có biết rằng nước Pháp có tỉ lệ đánh thuế cao nhất trong châu Âu hay không? Thực ra thuế đánh vào các tài sản lớn nước Pháp đã có từ lâu. Vậy mà ông vẫn chủ trương tăng thêm thuế đánh vào thu nhập nữa. Ông nói rằng ông không muốn có thêm người giàu hơn nữa, nhưng tôi thì lại không muốn có thêm những người nghèo khó trong nhân dân”.
Đánh vào cải cách giáo dục – lĩnh vực được cho là thế mạnh hàng đầu của ông Hollande, ông Sarkozy chỉ trích kế hoạch tăng thêm 60.000 việc làm của ông Hollande, cho rằng vấn đề không phải là do thiếu giáo viên mà là thiếu chế độ lương bổng cho lượng giáo viên hiện thời. Ngược lại, ông Francois Hollande chỉ trích ông Sarkozy trong 5 năm qua đã cắt giảm 12.000 vị trí cảnh sát và nhân viên an ninh, dẫn tới tình trạng an ninh bất ổn hiện nay của nước Pháp.
Quan điểm của ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande cũng cởi mở hơn so với đương kim Tổng thống Sarkozy trong nhiều vấn đề nhập cư cho người nước ngoài; nâng cao vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong khủng hoảng; đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân…
Nhìn chung, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy tỏ ra mạnh mẽ ở thế tấn công, nhưng nhiều lập luận của ông khó lòng thuyết phục dư luận vì nó không có gì mới mẻ và có phần không hợp lí khi ông đổ lỗi cho một số lãnh đạo của đảng Xã hội trong các chính quyền trước.
Trong khi đó, ứng cử viên Francois Hollande cũng đã có những cú đáp trả khá mạnh mẽ, khi tuyên bố ông Sarkozy không thể tỏ ra là một “nạn nhân” và đổ lỗi tình hình khó khăn hiện nay của nước Pháp là do khủng hoảng hay của những yếu tố, nhân tố khác.
Màn đấu “thử” trên truyền hình thu hút khoảng 20 triệu người dân Pháp theo dõi, có thể tạm coi là cân sức. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn cho rằng ông Sarkozy khó có thể xoay chuyển tình thế của cuộc đấu chính thức sáng chủ nhật này đang nghiêng về phía ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande. Phần vì thời gian đã quá muộn để tạo nên đột phá, phần vì bản thân các chính sách và đề xuất mà ông Sarkozy đưa ra không có gì mới mẻ, nếu không nói là đã “nhàm” với người dân Pháp./.