Huy chương đến từ cử tạ?

Thể thao - Ngày đăng : 07:13, 03/05/2012

(HNM) - Trong lịch sử tham dự các kỳ Olympic, Thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 2 tấm HCB ở các môn taekwondo và cử tạ. Lần này, mục tiêu giành huy chương của Việt Nam cũng nhắm chủ yếu vào hai môn thi này, trong đó trọng tâm là cử tạ.



Về lý thuyết, khả năng giành huy chương có thể đến từ rất nhiều môn khác như vật, cầu lông, thể dục dụng cụ... Tay vợt Nguyễn Tiến Minh luôn nằm trong nhóm những VĐV cầu lông hàng đầu thế giới 2-3 năm qua, VĐV thể dục Phan Thị Hà Thanh từng giành HCĐ ở giải VĐTG, còn nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa là đương kim á quân ở ASIAD - đấu trường hội tụ nhiều đô vật hàng đầu thế giới hạng cân 48kg.

Tuy nhiên, khả năng các môn này gây bất ngờ là rất nhỏ. Tiến Minh tuy nằm trong nhóm đầu nhưng khoảng cách giữa anh với những tay vợt tốp đầu thế giới như Lee Chong Wei (Malaysia), Lin Dan, Chen Jin (Trung Quốc), Peter Hoeg (Đan Mạch) rất lớn. Thêm nữa, VĐV này luôn gặp vấn đề về tâm lý nên rất khó phát huy hết khả năng.

Hà Thanh từng gây bất ngờ tại Giải vô địch Thể dục dụng cụ thế giới ở Tokyo năm 2011 với cú nhảy xuất thần đạt điểm số cao 14,666. Nhưng ngay cả khi đạt được phong độ cao nhất thì cơ hội ganh đua huy chương của Hà Thanh cũng không cao, bởi ở sân chơi lớn như Olympic, VĐV muốn giành huy chương phải đưa mức độ khó trong bài thi lên trên 6,000 điểm. Đây là mức mà Hà Thanh khó đạt tới, ngay cả cú nhảy đẹp của cô ở Tokyo năm trước cũng chỉ đạt mức độ khó là 5,800. Thêm nữa, tổng số điểm giành huy chương ở Olympic thường phải từ 15,000 trở lên và đây là thử thách không nhỏ cho Hà Thanh.

Nguyễn Thị Lụa phải đối mặt với hàng loạt đối thủ mạnh ở hạng cân 48kg nữ như nhà vô địch Olympic gốc Việt Carol Huỳnh (Canada), đô vật 8     lần vô địch thế giới Hitomi Sakamoto (Nhật Bản), nhà vô địch thế giới năm 2009 Mariya Stadnik (Azerbaijan), đô vật nhiều lần vô địch Châu Á Zhao Shasha (Trung Quốc)... nên hầu như không có khả năng gây bất ngờ. Theo đánh giá của các HLV vật Việt Nam, cơ hội huy chương của Nguyễn Thị Lụa khá mỏng manh.

Ở hạng 58kg nam môn taekwondo, Lê Huỳnh Châu không có nhiều hy vọng vì có quá nhiều đối thủ mạnh như hai nhà vô địch thế giới Joel Gonzalez (Tây Ban Nha), Lee Dae-Hoon (Hàn Quốc), á quân Olympic Gabriel Mercedes (Dominica), á quân thế giới Damian Villa (Mexico)... Khả năng gây bất ngờ của Chu Hoàng Diệu Linh (hạng 67kg nữ) được đánh giá cao hơn bởi sự chênh lệch trình độ với các đối thủ hàng đầu không quá lớn. Để giành được huy chương ở môn taekwondo, VĐV có hai cách: thắng 3 trận liên tiếp hoặc thắng ở vòng repechage (tranh HCĐ). Với thể lực không tốt của VĐV Việt Nam, khả năng giành chiến thắng ở vòng repechage là rất khó nên chỉ có một cách là cố gắng giành chiến thắng 3 trận liên tiếp. Muốn làm được điều này thì phải rơi vào nhánh bốc thăm dễ.

Chỉ có môn cử tạ là hy vọng giành huy chương sáng hơn cả. Hiện nay, lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đang nằm trong tốp 3 của hạng 56kg cùng với Wu Jingbiao (Trung Quốc) và Valentin Hristov (Azerbaijan). Cơ hội giành huy chương của Quốc Toàn rộng hay hẹp phụ thuộc rất nhiều vào việc Trung Quốc cử 1 hay 2 VĐV tham dự nội dung này. Nếu Trung Quốc cử 2 VĐV thì Quốc Toàn buộc phải ganh đấu quyết liệt với Hristov (Azerbaijan), Setiadi (Indonesia)... để cạnh tranh một vị trí trong tốp 3. Còn nếu Trung Quốc chỉ cử 1 VĐV thì cơ hội giành huy chương là rất sáng, bởi Quốc Toàn hiện có thành tích ngang ngửa với Hristov và nhỉnh hơn một chút so với Setiadi. Theo chuyên gia người Bulgaria, hiện thành tích tập luyện của Quốc Toàn đã đạt mức 285-287kg và mục tiêu đến London là phải đạt 290kg, bằng với mức HCB Olympic của Hoàng Anh Tuấn vào 4 năm trước. Nếu đạt được mục tiêu trên thì khả năng giành huy chương của Quốc Toàn ở Olympic là rất cao.

Tuấn Dũng