Tuyển thẳng thí sinh các huyện nghèo: Còn nhiều lúng túng
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:12, 03/05/2012
"Vấn nạn" nhìn thấy trước?
Theo quy định mới, nếu thí sinh học ba năm cuối cấp và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo thì hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức một năm trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quyết định.
Bộ GD-ĐT cần có những định hướng cụ thể cho các trường ĐH, CĐ về việc tuyển thẳng thí sinh 62 huyện nghèo trong cả nước để tránh những bất cập đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Phương Thảo |
Như vậy, trong 62 huyện thuộc diện nghèo, ước tính sẽ có khoảng hơn 10 nghìn học sinh lớp 12. Với những kỳ thi tốt nghiệp có phần "dễ dãi" như hiện nay thì số lượng thí sinh có thể tốt nghiệp và nằm trong diện được tuyển vào ĐH, CĐ theo quy định mới là khá lớn. Trong khi đó, trước kia, mỗi năm cả nước chỉ có khoảng 2 nghìn thí sinh là người dân tộc thiểu số được tuyển thẳng. SV thuộc đối tượng dự bị ĐH thì sau một năm học vẫn phải dự thi dù điểm trúng tuyển có thể thấp hơn thi ĐH chính thức.
Nhiều ý kiến phân vân rằng như vậy liệu có công bằng với thí sinh thuộc các diện ưu tiên khác. Ngoài ra, sự bế tắc trong phân luồng thí sinh liệu có trở nên trầm trọng hơn khi việc vào học ĐH trở nên dễ dàng với những thí sinh có năng lực khiêm tốn. Những em này, như trước kia đã có thể chuyên tâm vào các loại hình đào tạo phù hợp hơn với điều kiện bản thân cũng như nhu cầu của địa phương. Chưa kể nếu đáp ứng được đòi hỏi về học lực, thì áp lực về tài chính đối với những SV này cũng sẽ rất lớn. Nhiều lãnh đạo nhà trường còn khẳng định rằng việc xét học bạ không thể đủ căn cứ để quyết định một thí sinh có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo hay không.
Các chuyên gia tuyển sinh có kinh nghiệm cũng lo ngại những "vấn nạn" hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đó là tình trạng khai man lý lịch, "làm đẹp" học bạ hay "chạy hộ khẩu", "chạy trường" ồ ạt về các huyện nghèo để thí sinh được hưởng ưu đãi khi tuyển sinh.
Các trường băn khoăn
Các trường ĐH cũng có những băn khoăn của riêng mình. Có vị lãnh đạo đã lo rằng việc bồi dưỡng kiến thức một năm cho đối tượng được xét tuyển cũng đồng nghĩa việc phải trả lời hàng loạt câu hỏi: sẽ đào tạo như thế nào, theo chương trình gì, nguồn giáo viên và kinh phí lấy ở đâu?
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ngoài công lập, để bồi dưỡng kiến thức, các SV thuộc huyện nghèo nên được "gom" lại để tổ chức học tập cho đỡ tốn kém. Tuy nhiên cách hợp lý nhất là Bộ GD-ĐT nên giao cho các trường dân tộc nội trú hoặc trường dự bị ĐH đảm nhiệm việc này.
Trong khi các trường còn nhiều băn khoăn, Bộ GD-ĐT lại chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể, nên mỗi trường tự đặt ra nhiều cách xử lý riêng cho đối tượng thí sinh này. Có những trường thuộc hàng "top" thì đưa ra những điều kiện khiến cho giấc mơ trở thành SV của thí sinh huyện nghèo là điều không tưởng. Có trường lại sẵn sàng tiếp nhận thí sinh vô điều kiện. Trường ĐH Ngoại thương năm nay chỉ dành 1% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh thuộc 62 huyện nghèo, kèm theo đó là các điều kiện: thí sinh phải có kết quả học tập giỏi cả 3 năm THPT và có bằng tốt nghiệp THPT loại giỏi. Theo đại diện nhà trường, những điều kiện đó đã là khá thuận lợi cho thí sinh, bởi qua thực tế tuyển sinh nhiều năm, nhà trường nhận thấy có nhiều thí sinh ở các huyện này có kết quả học tập rất tốt nhưng vẫn không thi đậu vào Trường ĐH Ngoại thương.
Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 36 chỉ tiêu ở 3 nhóm ngành học cho thí sinh huyện nghèo với điều kiện có kết quả học tập 3 năm THPT loại khá và điểm tốt nghiệp đạt loại khá trở lên. Nếu số lượng thí sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm trung bình 4 môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý và toán để xét tuyển từ cao xuống thấp.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân thì chỉ dành một chỉ tiêu duy nhất cho đối tượng này cùng điều kiện kết quả 3 năm THPT đạt loại khá trở lên, điểm tổng kết 3 năm học THPT của 3 môn thi tương ứng vào trường phải đạt từ 7 trở lên và hạnh kiểm tốt. Nếu có nhiều hồ sơ xét tuyển, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm tổng kết của 3 môn thi trong cả 3 năm và điểm thi tốt nghiệp để xét từ cao xuống thấp.
Trong khi đó, nhiều trường ngoài công lập thì không đưa ra điều kiện gì ngặt nghèo mà sẵn lòng mở rộng cánh cửa với diện thí sinh này. Tuy nhiên, khả năng chi trả học phí được nhận định là một khó khăn lớn với các học sinh huyện nghèo.
Để phát huy được tính ưu việt và hạn chế tối đa những điểm bất cập, có lẽ chính sách ưu tiên này cần có thêm những định hướng cụ thể từ phía Bộ GD-ĐT.