Củng cố sức mạnh toàn dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:47, 03/05/2012
Chương trình 05 là một trong 9 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2011-2015. Nó có ý nghĩa xác định và triển khai các chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh (QPAN), phòng ngừa đấu tranh với các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn Hà Nội.
Học sinh Thủ đô tham gia buổi huấn luyện quân sự trong môn học giáo dục quốc phòng.Ảnh: Trọng Hải
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, Chương trình 05 đã cho thấy vai trò cần thiết của mình. Năm đầu tiên thực hiện, Ban Chỉ đạo (BCĐ) chương trình đã tổ chức quán triệt nội dung, chỉ đạo kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành xây dựng chương trình thực hiện. Kết quả bước đầu hết sức khả quan. Trước hết, các LLVT Thủ đô đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác quốc phòng và quân sự địa phương. Tiêu biểu nhất là việc tổ chức thành công, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tại 6 quận, huyện. Hàng trăm phường, xã, thị trấn đã thực hành diễn tập chiến đấu trị an với kết quả đạt 100% kế hoạch đề ra. Giáo dục quốc phòng đã được triển khai thường xuyên, sâu rộng với hàng vạn lượt cán bộ, học sinh, sinh viên tham gia… Có thể nói, tiềm lực quốc phòng đã được củng cố, trong đó, sức mạnh quốc phòng toàn dân đã được quan tâm và phát triển.
Cùng với đó, công tác bảo đảm an ninh quốc gia tiếp tục được quan tâm với nhiều hoạt động thường xuyên, bám sát chặt chẽ diễn biến tình hình thực tế, đã đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch. Các mục tiêu quan trọng và các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn đều được bảo đảm an toàn. Thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc, kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân, nâng cao vai trò thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.
TTATXH được bảo đảm; TTATGT, TTĐT cũng đã có chuyển biến tích cực so với trước. Số điểm ùn tắc thường xuyên đã giảm từ 124 điểm xuống còn 79 điểm, không để xảy ra ùn tắc kéo dài trên diện rộng.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, việc thực hiện Chương trình 05 còn không ít hạn chế cần kịp thời rút kinh nghiệm để khắc phục, nhất là từ cấp cơ sở. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Trưởng BCĐ Chương trình 05, thiếu sót nổi bật là còn hiện tượng một số cơ quan, đơn vị thiếu tập trung, chưa quyết liệt bám sát nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền, giáo dục QPAN, chính trị - tư tưởng chưa thường xuyên, thậm chí có nơi còn coi nhẹ. Việc thông tin, tuyên truyền, nhất là đấu tranh với các luận điệu, hành vi sai trái còn chậm và thiếu chủ động. Trong khi đó, có nơi còn lỏng lẻo trong công tác quản lý về ANTT. Đặc biệt, kỷ cương, kỷ luật ở một số tổ chức Đảng chưa nghiêm, tính tiên phong gương mẫu của đảng viên có nơi chưa được thể hiện tốt. Những bất cập về cơ chế, chính sách cộng với cách thực hiện chưa tốt ở một số cấp cơ sở đã gây bức xúc trong nhân dân. Việc thu hồi đất đai, GPMB ở nhiều địa phương cũng ảnh hưởng đến tình hình an ninh nông thôn. Những khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp thua lỗ làm gia tăng số lượng lao động thất nghiệp cũng tác động không nhỏ đến tình hình ANTT… Các vấn đề này cho thấy tầm quan trọng ngày càng cao của việc thực hiện thật tốt Chương trình 05.
BCĐ chương trình xác định tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xuống từng cơ sở, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Nhiệm vụ chung là phải nêu cao tinh thần cảnh giác và không ngừng thực hiện các nhiệm vụ về QPAN. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo lưu ý, trước hết các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập thể, địa phương phải làm tốt nhiệm vụ đoàn kết nội bộ, không để xảy ra mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ dẫn đến mất ổn định, gây ra những vấn đề xã hội phức tạp. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, phải đổi mới, sáng tạo nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia có chất lượng vào xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Các lực lượng chức năng cần tập trung phòng ngừa các loại tội phạm mới, nhất là ngăn chặn tội phạm có tổ chức. Ngoài ra, các cấp, các ngành phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; không để "cái sảy nảy cái ung".
BCĐ cũng quán triệt tinh thần thực hiện quan điểm "an ninh chủ động"; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến" trong nội bộ. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh…