Ước mơ của công nhân ngoại tỉnh

Đời sống - Ngày đăng : 07:07, 02/05/2012

(HNM) - TP Hồ Chí Minh hiện có 13 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), với khoảng 300 nghìn lao động đang làm việc, khoảng 70% trong số đó đến từ các địa phương khác. Sự gia tăng đột biến lực lượng lao động đã kéo theo nhu cầu chỗ ở và trường học. Chưa bao giờ việc xây trường mầm non cho con em công nhân ở các KCN-KCX lại trở nên cấp bách như hiện nay.

Xây dựng trường mầm non tại  các KCN-KCX sẽ tạo điều kiện giúp cho người lao động yên tâm làm việc.

Gian nan tìm chỗ gửi con

Vừa tan ca chiều, chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở tỉnh Trà Vinh, công nhân một DN trong KCX Tân Thuận, vội vã phóng xe máy đến trường mầm non tư thục ở phường Tân Thuận Tây (quận 7) để đón cô con gái mới 17 tháng tuổi. Chị cho biết: "Học các trường công lập thì yên tâm hơn nhưng mình là dân nhập cư, chỉ có giấy tạm trú nên không thể xin cho con vào học được, cực chẳng đã tôi phải cho con vào học trường tư thục". Trường hợp như trên ở TP Hồ Chí Minh là khá phổ biến. Hơn nữa, theo quy định, chế độ nghỉ sinh cho công nhân trung bình là 4 tháng, nhưng các trường mầm non công lập lại chỉ nhận trẻ trên 12 tháng tuổi. Phần lớn công nhân là người nhập cư không có người thân trông giúp. Vì thế nên nhiều người phải gửi con vào các điểm trông giữ trẻ tự phát. Chị Bùi Thúy Hạnh, công nhân ở KCN Tân Thới Hiệp, ngụ phường Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết, hai vợ chồng đều quê ở Thanh Hóa. Sau khi sinh con, chị phải nghỉ ở nhà trông con đến 14 tháng mới đưa con đi gửi. Các trường mầm non đều không nhận vì không có hộ khẩu nên chị phải tìm tới một điểm giữ trẻ tự phát. Mặc dù biết là không được chăm sóc chu đáo như ở trường mầm non, nhưng được cái ở đây có thể linh động về giờ giấc, nếu bố mẹ đón con muộn chỉ cần trả thêm 15 nghìn đồng/giờ. Trong khi đó các trường mầm non thường đóng cửa sớm, gây khó khăn cho công nhân vì thường phải tăng ca, về muộn.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo ông Nguyễn Tấn Ðịnh, Phó Trưởng ban quản lý các KCN-KCX TP Hồ Chí Minh, trước đây việc quy hoạch các KCX, KCN không dành diện tích đất để xây dựng các công trình xã hội, trong đó có nhà trẻ cho con em công nhân. Hơn nữa, mục đích xây dựng các KCN, KCX nhằm thu hút đầu tư và giải quyết công ăn việc làm cho dân TP chứ chưa tính đến chuyện thu hút lao động ngoại tỉnh. Ðể giải quyết khó khăn này, năm 2011 TP đã chấp nhận xây dựng các nhà trẻ tại 6 KCX, KCN trên diện tích đất quy hoạch cây xanh và quy hoạch KCN. Trên cơ sở đó, KCX Tân Thuận (quận 7) sẽ xây dựng nhà trẻ với diện tích 1.100m2; KCX Linh Trung I (Thủ Ðức) xây nhà trẻ 3.000m2, KCX Linh Trung II (Thủ Ðức): 3.200m2, KCN Vĩnh Lộc (Bình Tân): 2.500m2, KCN Tân Tạo (Bình Tân): 3.246m2, KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè): 900m2. Tuy nhiên, mới chỉ có KCN Hiệp Phước đã hoàn thành xây dựng nhà trẻ tại tầng trệt khu lưu trú công nhân với 4 lớp, 5 dự án kia đến nay vẫn còn nằm… trên giấy.

Trên thực tế, với số lượng con em công nhân đông như hiện nay thì ngay cả khi 13 KCN-KCX xây được trường mầm non cũng mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu. Chẳng hạn, phần diện tích 900m2 xây nhà trẻ mầm non ở KCN Hiệp Phước cũng chỉ tổ chức được 4 nhóm lớp với khoảng 200 trẻ. Ở 5 KCX-KCN khác, diện tích đất để xây trường mầm non ở mỗi khu cũng chỉ dao động từ 900m2 đến 3.200m2, tương ứng với số trẻ được tiếp nhận tối đa dao động từ 225-800 trẻ (chuẩn của khu vực trung tâm TP hiện nay là 4m2/trẻ). Trong trường hợp mỗi KCX-KCN dành 5.000m2 đất để xây trường mầm non thì cũng chỉ tiếp nhận được 700 trẻ, tổng cộng 13 KCX-KCN tiếp nhận 9.100 trẻ. Trong khi đó, với gần 300.000 công nhân, có ít nhất là 160.000 lao động nữ (tỷ lệ 60%), trong đó khoảng 80.000 công nhân có con từ 1 đến 5 tuổi. Như vậy nếu được xây dựng thì các trường mầm non ở các KCX-KCN cũng mới chỉ đáp ứng được trên 10% nhu cầu.

Việc xây dựng nhà trẻ tại các KCN-KCX không chỉ nhằm chăm lo đời sống cho công nhân mà còn góp phần thực hiện tốt đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi của TP. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nâng cao trách nhiệm, cùng phối hợp tìm giải pháp để triển khai sớm các dự án, đáp ứng mong mỏi của đông đảo người lao động tại các KCN-KCX, giúp họ yên tâm làm việc; đồng thời còn giúp giảm tải cho các trường mầm non của TP.

Duy Biên