Vẫn loay hoay tìm giải pháp
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 02/05/2012
Bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam
Khảo sát của Bộ Y tế về công tác khám, chữa bệnh tại cuộc họp này cho thấy, tình trạng quá tải BV đã xuất hiện ở cả 3 tuyến điều trị (trung ương, tỉnh, huyện và BV ngành) với công suất sử dụng giường bệnh chung toàn quốc đã lên đến 110%. Đáng lưu ý, có BV công suất sử dụng giường bệnh tới 200%. Quá tải trầm trọng nhất là BV K mức 172%, BV Nhi TƯ mức 119%, BV Bạch Mai mức 168%, Bệnh viện Chợ Rẫy mức 139%... Nếu so số giường thực kê với số giường kế hoạch, thì BV K sử dụng đến 249% công suất giường bệnh, tức là mỗi giường bệnh không lúc nào có dưới 2,5 bệnh nhân. Nhiều lúc, đã có những giường bệnh phải chứa 4-5 bệnh nhân, nhất là tuyến BV trung ương. Bệnh nhân không được nằm mà phải ngồi truyền dịch, thậm chí ở nhiều BV bệnh nhân ngồi truyền dịch cả ngoài hành lang và đây không còn là hiện tượng lạ.
Tình trạng bệnh viện quá tải cần sớm được giải quyết. Ảnh: Khánh Nguyên |
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch -Tài chính (Bộ Y tế) cho hay, công suất giường bệnh chỉ nên ở mức 70-80%, lên đến 90% đã coi là quá tải vì không còn thời gian chuẩn bị để phục vụ người bệnh mới.
Đối chiếu công suất "nên" này và công suất thực tế mới thấy sự quá tải ghê gớm của mạng lưới khám, chữa bệnh. Ông Long khẳng định, tình trạng bệnh nhân nằm ghép chỉ có ở Việt Nam, công suất sử dụng giường bệnh chỉ tăng mà không giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dân số tăng nhanh nhưng số BV, giường bệnh lại không tăng tương xứng. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của cả nước tuy có tăng hằng năm, nhưng vẫn còn thấp so với sự gia tăng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và phân bố không đồng đều giữa các vùng, miền, chủ yếu tập trung nhiều ở các đô thị, vùng kinh tế lớn. Hiện, bình quân giường bệnh/vạn dân ở Việt Nam đạt 20,5 giường, vào loại thấp nhất thế giới, trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (năm 2009), trung bình số giường bệnh/vạn dân toàn cầu là 25, riêng khu vực Tây Thái Bình Dương là 33.
Cần giải pháp từ gốc
Tại cuộc họp này, lần đầu tiên Bộ Y tế công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chống quá tải BV do Bộ Y tế đang chủ trì xây dựng. Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2015, giải quyết tình trạng quá tải tại các BV trung ương như Bạch Mai, Chợ Rẫy, K...; giai đoạn đến năm 2020, xây dựng các cụm BV tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, tại các cụm đô thị ở Hà Nội, mở rộng BV Trung ương Huế với việc đưa Trung tâm Điều trị ung bướu vào hoạt động từ năm 2013.
Mục tiêu chung của đề án là đưa bình quân giường bệnh/vạn dân lên 25-27 giường vào năm 2015. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia tham dự cuộc họp thì mục tiêu này là quá tham vọng do không đủ nhân lực phục vụ. Một số đại biểu đưa ra ý kiến không nên xây dựng những BV quá lớn, điển hình như BV Bạch Mai đang đề xuất tăng số giường lên 3.500, gần gấp đôi so với quy mô hiện nay, như vậy sẽ rất khó quản lý và không đạt hiệu quả mong đợi. Và việc đề án đặt mục tiêu giảm tải đến năm 2015 tại các BV chuyên khoa, đa khoa trung ương mới chỉ là giải pháp giải quyết tình trạng quá tải ở phần ngọn chứ không phải giải pháp từ gốc. Căn nguyên người dân vượt tuyến, lên tuyến cao nhất chữa bệnh gây ra tình trạng quá tải chính là do sự yếu kém ở tuyến y tế địa phương. Vì vậy, các BV tỉnh, huyện cần phải năng động phát triển kỹ thuật và quảng bá cho người dân biết về những kỹ thuật mình làm được để từ đó tin tưởng đến khám, chữa bệnh, hạn chế vượt tuyến. Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng với nhóm bệnh nhân mạn tính, đồng thời mở rộng loại hình "BV ban ngày". Hiện, Hà Nội mới có một BV ban ngày là BV Mai Hương (dành cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần), nhưng ở Mỹ có đến 75% số bệnh nhân được khám, chữa bệnh ở mô hình này, còn ở Pháp là 60%.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, khi xây dựng đề án, Bộ sẽ chú trọng đến nhiều nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp tăng cường cơ sở vật chất cho BV đã có, mở rộng BV mới, đào tạo nhân lực, phát triển hệ thống bác sỹ gia đình, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Bộ Y tế cũng sẽ thí điểm mô hình khám, chữa bệnh theo nhu cầu và bảo hiểm y tế có mức hưởng tùy theo mức đóng chứ không đóng khung một mức đóng - một mức hưởng như hiện hành.