Chuyện của Hồ Ê Nốt

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:07, 02/05/2012

(HNM) - Vừa qua được chiếc cầu thang chênh vênh bước lên nhà sàn của Hồ Ê Nốt, Trưởng thôn CuPua, xã Đắk-rông, huyện Đắk-rông, tỉnh Quảng Trị, tôi ngẩng lên và va ngay vào một chiếc hộp kính đặt cạnh cửa, bên trong túi lớn, túi nhỏ đều ngay ngắn dòng chữ "Thuốc tránh thai, bao cao su miễn phí".

Chủ nhà dáng người nhỏ nhắn ngồi giữa sàn, xung quanh là ngổn ngang giấy tờ, máy ảnh, có lẽ nhận ra sự băn khoăn, khó hiểu của khách nên nói ngay: "Mình làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn từ năm 1997, lại phụ trách cả y tế, dân số nữa. Thứ đó để đấy cho bà con đến là lấy ngay được, lấy xong đi luôn, không cần xin ai kẻo hắn ngại. Bà con mình nhà nào ít cũng 4 đứa rồi, nhà nhiều đến 8 đứa, đẻ nữa thì khổ lắm"…

Hồ Ê Nốt - Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn CuPua, xã Đắk-rông, huyện Đắk-rông, tỉnh Quảng Trị.

15 năm ..."quản lý chị em"

Chức vụ đặc biệt của người đàn ông sinh năm 1974 Hồ Ê Nốt là lý do ban đầu khiến tôi và một đồng nghiệp Báo Quảng Trị ngồi lại nhà sàn của anh đến hơn hai giờ đồng hồ. Cũng giống nhiều nhà sàn của bản CuPua, ngôi nhà của Nốt nằm chênh vênh bên dòng Đắk-rông hùng vĩ cuồn cuộn chảy, bên kia là tuyến đường 9 kéo thẳng đến biên giới Việt - Lào. Bản có 55 hộ với gần 300 nhân khẩu nhưng thời điểm 1997 không có phụ nữ nào biết chữ. Vì vậy, năm Nốt 23 tuổi, vừa cưới vợ được một năm, anh đã tình nguyện nhận chức "quản lý chị em" để mong giúp những người mẹ, người chị, người em của mình được hưởng đầy đủ quyền lợi của phụ nữ. Nhiều dân bản CuPua vẫn còn buồn cười nhưng nhắc đến những lần đến từng nhà vận động chị em dùng thuốc tránh thai, đặt vòng hay đưa anh em đi triệt sản, Nốt đều kể với giọng tự hào. Hỏi Nốt là đàn ông, lại đi làm công việc của phụ nữ, anh có ngại không, Nốt cười hóm hỉnh: "Nhiều lần họp hội phụ nữ ở huyện cả trăm người, chỉ có mình mình là đàn ông, mình không đi chị em lại buồn, họ cứ hỏi luôn ấy chứ. Bản mình mấy người biết chữ đâu, mình học hết lớp 6 là "ngon" rồi, phải giúp bà con thôi, ngại chi mà ngại".

Tự hào nhất là Nốt được bà con tin yêu, giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm, sổ đỏ, hộ khẩu, chứng minh nhân dân… của 55 hộ dân đều do Nốt cất giữ. Ai đau ốm cần đi viện, từ trạm xá xã đến bệnh viện thành phố Đông Hà hay vào tận Huế, Nốt đều bỏ việc nhà đưa đi; phụ nữ trong bản đến kỳ sinh con cũng tìm đến Nốt, giấy khai sinh của đứa trẻ cũng một tay Nốt khai vì cha mẹ chúng đâu biết chữ. Bản CuPua ngoài làm nương, dân không có nghề, đời sống khó khăn. Được sự hướng dẫn của chính quyền, Nốt lại dẫn cả chục chị em lên xã học nghề làm chổi đót. Đến tận hôm nay, Nốt vẫn làm chổi đẹp có tiếng và là "giảng viên" cho nhiều chị em trong bản. Nốt chỉ mong có một trung tâm thu mua chổi đót để chị em trong bản đỡ cực khi phải đạp xe về tận Đông Hà, bán rong từng chiếc. Hôm gặp chúng tôi, Nốt kể vừa được về Hà Nội tập huấn 11 ngày làm hướng dẫn viên du lịch. Nốt vui lắm vì sắp tới, suối nước khoáng nóng ở bản Kalu bên cạnh sẽ được đưa vào khai thác, bà con xã Đắk-rông sẽ có thêm việc để làm, tăng thu nhập. Nốt còn khoe chiếc máy ảnh Canon cũ, đã tróc sơn thường cùng anh trèo đèo lội suối đến những ngôi nhà sâu nhất, xa nhất của huyện Đắk-rông, chụp ảnh trẻ em theo dự án của tổ chức Plan, làm thẻ hội viên hội người cao tuổi để mang quyền lợi đến cho những người dân bản cả đời chưa từng nhìn thấy vật gì hiện đại như… chiếc máy ảnh. Trong câu chuyện, Nốt kể sáng mai mới đến được thôn Ba Ngày, xã Tà Long vì giờ trưa rồi, đi không kịp nữa. Đường đến xã cheo leo lắm, toàn phải đi bộ, mà đi từ 8h sáng thì 4h chiều mới đến nơi, có đường quốc phòng rồi nhưng chưa thông, trẻ con bản đó đi học cực lắm.

Bản không rượu, bia, thuốc lá

Dòng chữ "Chõi nghaig Blong tâng Dống: Bản không rượu, bia, thuốc lá" được ghi trang trọng trên tấm xà ngang giữa nhà Nốt, khách ngồi xuống sàn là có thể nhìn thấy ngay. Đây cũng lại là một điều lạ! Vì với người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, xuất phát từ tập quán đốt rừng làm nương, phiêu bạt hàng tháng trời nơi rừng thiêng nước độc, họ chỉ có rượu và thuốc lá làm bạn để chống chọi với giá rét. Lâu ngày, họ mang thói quen đó vào các lễ cưới, hội và trong cuộc sống hằng ngày như một thứ "thâm căn cố đế" không thể bỏ được. Nốt cũng có thời nghiện thuốc lá, khi chỉ có 700 đồng một gói mỳ tôm thì một bao thuốc Zest đã 2.000 đồng, mỗi ngày Nốt đốt hai bao. Cơn nghiện lên, ngay cả khi vợ con không có cái ăn, thuốc lá vẫn là thứ Nốt ưu tiên hàng đầu. Rồi tham gia nhiều công việc của địa phương, được họp hành, nghe những điều hay và không nỡ để vợ con đói, năm 2002, Nốt quyết tâm cai thuốc và cũng nói không với rượu.

Chiến thắng bản thân đã là điều không đơn giản, để vận động được dân bản theo mình càng khó khăn hơn. Với sự giúp đỡ của cha mình, già làng Hồ Văn Chuốc 86 tuổi, Nốt đã làm được. Không chỉ đến từng nhà nói thiệt hơn, Nốt kể cho dân bản nghe những người vì rượu, vì thuốc lá mà ung thư dạ dày, ung thư phổi, hen suyễn… điều trị tốn kém rồi chết trong đau đớn, để lại con cái nheo nhóc, gia đình đã nghèo càng nghèo hơn. Nốt cũng nói về mình và những gia đình khác, vì không uống rượu, hút thuốc nên có tiền cho con may quần áo mới đi học, mua xe máy, không đánh cãi nhau mất an ninh trật tự... Dân bản vì yêu, tin Nốt nên nghe theo, bắt đầu từ những người già rồi đến lớp thanh niên. Đến thời điểm này, CuPua là bản duy nhất của vùng cao Quảng Trị không có rượu, bia, thuốc lá trong bất kỳ dịp lễ, hội nào. CuPua cũng không có quầy hàng bán những sản phẩm này. Đến CuPua, khách sẽ thấy dòng chữ B-ru (ngôn ngữ của dân tộc Vân Kiều) "Chõi nghaig Blong tâng Dống" xuất hiện ở nhiều ngôi nhà sàn, như một sự nhắc nhở, đồng thời như một quyết tâm của người dân bản CuPua trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu.

Hiến đất xây trường

Đất đai của gia đình Hồ Ê Nốt chưa phải rộng nhất bản CuPua, ngôi nhà anh đang ở cũng chật hẹp như nhà của nhiều dân bản khác. Năm 1998, thôn CuPua có một trường tiểu học tranh tre nứa lá, lại nằm ở vị trí không thuận tiện. Hằng ngày, nhìn bọn trẻ vất vả lên núi cõng cái chữ xuống, Nốt thấy không đành lòng. Năm 2002, anh cắt một vạt đất nương của gia đình để xây trường tiểu học. Năm 2006, Nốt tiếp tục cắt một vạt đất khác để xây nhà cộng đồng làm nơi hội họp cho bà con. Trước đây, khi chưa có nhà cộng đồng, việc tập trung bà con đến nghe phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng khi có nhà cộng đồng khang trang, sạch đẹp, dân bản đến đông vui như đi hội. Tháng 5 này, một dự án khác sẽ được xây dựng trên chính một phần đất ngôi nhà sàn gia đình Nốt đang ở. Bếp của gia đình sẽ phải phá dỡ, di chuyển ra trước nhà để nhường đất cho công trình xây dựng trường mầm non. Khi được hỏi diện tích đất đã hiến, Nốt nhẩm tính một lát rồi bảo: "Chắc khoảng hơn 1.000 mét vuông thôi".

Lúc chia tay, nhận chút quà chúng tôi gửi đến Quỹ Vì trẻ em của thôn, Nốt nói: "Chuyện mình hiến đất không có gì là lớn đâu? Nhà nước cho mình cái trường, mình không lấy thì họ cho nơi khác mất. Mà xây trường cũng vì con cái mình trước tiên thôi mà, chúng nó đi học xa cực lắm. Đất nhà mình ở chỗ bằng phẳng, lại ở ven đường, trung tâm bản, bà con đi lại đỡ khổ thôi. Mà mình phải gương mẫu, bà con mới nghe theo!". Cái lý giản đơn, thái độ cởi mở hồn hậu của Hồ Ê Nốt khiến tôi không khỏi cảm thấy ngại ngùng khi nghĩ đến nhu cầu cơm áo của bản thân mình! Nhiều năm liền, CuPua đạt danh hiệu thôn bản tiêu biểu nhất của huyện Đắk-rông chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ từ những suy nghĩ hồn hậu, vô tư như thế của Hồ Ê Nốt. Nói về Nốt, ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đắk-rông cũng không tiếc lời: "Công của Hồ Ê Nốt đối với bản CuPua là rất nhiều, nhất là chuyện dân bản bỏ được thuốc lá, bia rượu - một việc tưởng là rất khó khăn. Việc này cần tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Dân bản chưa giàu nhưng đời sống đang đổi thay từng ngày. Địa bàn xã còn khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, không mấy cán bộ cơ sở biết việc như Nốt. Chính chúng tôi phải cảm ơn anh ấy".

Văn Ngọc Thủy