Mở tuyến buýt trên đường 429, tại sao không?

Đời sống - Ngày đăng : 23:34, 30/04/2012

(HNMO)- Mấy năm nay gần đây, người dân trên địa bàn 3 huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên và Thường Tín (Hà Nội) luôn mong mỏi sớm có tuyến xe khách chạy trở lại trên tuyến đường 429 (đường 73 cũ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân.

Tuyến đường 429, đoạn Tía- Quán Tròn có chiều dài 14km. Đoạn tuyến này nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A (cũ), chạy qua các xã: Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa); Tri Trung, Phượng Dực, Hồng Minh, Phú Túc (Phú Xuyên); Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu (Thường Tín)… với tổng dân số lên đến hàng vạn người. Bên cạnh đó, trên đoạn tuyến này cũng có rất nhiều đơn vị, trường học nên nhu cầu đi lại của người dân là rất lớn. Trong thời kỳ bao cấp, trên tuyến đường này vẫn duy trì đều đặn tuyến xe khách đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Sau thời kỳ bao cấp, trên tuyến đường 429 xe khách vẫn chạy nhưng do tư nhân đảm nhận.

Trong các xã quanh trục đường 429, Tri Trung là địa phương nằm xa tuyến đường hơn cả. Ông Đỗ Văn Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) cho biết, cách đây 5 năm, căn cứ theo Nghị quyết của Đảng ủy xã, được sự thông qua của HĐND xã về việc duy trì xe khách từ đầu làng Trung Lập chạy qua xã Hồng Minh ra đường 429, đến quốc lộ 21B rồi tới Hà Đông... và ngược lại. Đều đặn một ngày 2 chuyến vào buổi sáng và buổi chiều. Cá nhân cung ứng là một người trong xã do mong muốn người dân, con em địa phương mình có phương tiện di chuyển thuận lợi mà đứng lên đảm nhận. Nhưng tuyến xe khách trên cũng chỉ hoạt động trong khoảng 3 năm (kể từ 2007 đến 2010) thì kết thúc cho đến bây giờ.

Cầu Đồng Quan mới đã xây dựng xong và thông xe từ 2 năm nay, nhưng trên tuyến đường 429 vẫn không có xe khách hoạt động


Tri Trung có dân số 4,2 nghìn nhân khẩu, đa phần đều làm nghề nông. Thế nhưng “đất nghèo nhưng chí không nghèo”, năm nào Tri Trung cũng có rất nhiều em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Điển hình như năm học 2011-2012, xã Tri Trung có tới 60 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Vốn là những gia đình thuần nông nên việc sắm cho con em mình xe máy đi học là điều chưa thể thực hiện được. Công cụ chính để di chuyển vẫn phải phụ thuộc vào xe buýt hay xe khách. Thế nhưng quãng đường tới những điểm bắt xe buýt, xe khách khá xa. Từ xã Tri Trung ra ngã ba Quán Tròn khoảng 9 km. Nếu đi bộ thì người nhà phải đưa đón. Nếu đi xe ôm, chi phí trên quãng đường Tri Trung ra đến ngã ba Quán Tròn tối thiểu từ 40- 50 nghìn đồng/ lần. Số tiền tuy không lớn nhưng đối với người làm ruộng đó cũng là cả một vấn đề. Sinh viên đông, nhu cầu người dân đi lại nhiều nhưng mấy năm nay mong ước có 1 tuyến xe buýt chạy qua địa bàn của người dân Tri Trung nói riêng và các xã trong vùng nói chung vẫn không thấy hồi âm. Ông Đỗ Văn Hinh bộc bạch: “Mong các cấp tạo điều kiện, bố trí cho người dân chúng tôi có được một tuyến xe buýt cho bà con đỡ khổ, các cháu sinh viên đỡ khó khăn trong đi lại. Cũng là tạo điều kiện cho công việc học tập của các cháu”.

Trên thực tế, những năm trước trên tuyến 429 do cầu Đồng Quan bị hỏng, xuống cấp nghiêm trọng nên phải hạn chế các phương tiện giao thông qua lại, trong đó có cả xe khách. Tuy nhiên, cầu mới đã được xây xong từ 2 năm nay nhưng người dân trong vùng vẫn không thấy “bóng dáng” xe khách xuất hiện trở lại.

Được biết, tại tuyến đường 427 (đường 71 cũ), đoạn tuyến Bình Đà- thị trấn Thường Tín, nối quốc lộ 21B với quốc lộ 1A (cũ), trước Tết Nhâm Thìn- 2012, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đồng ý cho mở tuyến buýt và đã cắm biển dừng đỗ xe buýt (tuyến buýt số 78: bến xe Thường Tín- bến xe Mỹ Đình và ngược lại). Bởi vậy, người dân sinh sống trên tuyến đường 429, đoạn tuyến Quán Tròn- Tía cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm khảo sát và cho mở tuyến buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân nói chung và các em học sinh, sinh viên nói riêng.

Đức Hải