Chưa khẳng định sự an toàn

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 07:09, 30/04/2012

(HNM) - Có nên cho phép trồng cây biến đổi gen (BĐG) tại Việt Nam? Vấn đề này một lần nữa gây những tranh cãi tại buổi báo cáo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen của Bộ NN&PTNT.

Kết quả khảo nghiệm các giống ngô chuyển gen cho thấy không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh, nhưng vẫn còn một số ý kiến cho rằng, cần thận trọng về tác hại của loại cây trồng này trước khi nhân rộng.

Ngô biến đổi gen cho năng suất cao, nhưng vẫn cần tiếp tục khảo nghiệm để kết luận chính xác về sự an toàn.

Sau một lần được khảo nghiệm trên diện hẹp và hai lần đưa ra khảo nghiệm diện rộng tại các vùng miền sinh thái khác nhau, thuộc cả miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam khẳng định giống ngô BĐG không gây nguy hại tới môi trường và đa dạng sinh học ở Việt Nam. TS. Phạm Thị Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) và nhóm các nhà khoa học nghiên cứu đối với giống ngô TC1507 cho biết, trong quá trình khảo nghiệm không ghi nhận trường hợp nào thể hiện ngô TC1507 cũng như các giống ngô khảo nghiệm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, động vật và các sinh vật trong khu khảo nghiệm và môi trường xung quanh. Các giống ngô BĐG cho năng suất cao hơn 30-40%, khả năng chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ cũng cao hơn so với các giống ngô thông thường. Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam Lê Huy Hàm cho biết, trên thế giới nông dân đã trồng 160 triệu héc ta cây trồng BĐG, gấp 40 lần diện tích trồng lúa của nước ta. Thực tế cho thấy, tại 29 quốc gia có trồng cây BĐG, đến nay vẫn chưa có hiện tượng gì đặc biệt liên quan tới sức khỏe con người, đa dạng sinh học hay môi trường.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, nước ta nên sớm đưa cây trồng BĐG vào sản xuất để tránh tình trạng hằng năm phải bỏ ra một khoản ngoại tệ lớn nhập khẩu hàng triệu tấn ngô và đậu tương BĐG từ nước ngoài làm thức ăn chăn nuôi. GS. Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp về vi sinh vật và công nghệ sinh học nhấn mạnh: "Lợi ích của ngô, đậu BĐG đã rõ và thực tế cho thấy không có ảnh hưởng. Hiện nhiều nước đã đưa vào trồng đem lại hiệu quả, nhưng đáng tiếc chúng ta đã quá chậm, lẽ ra phải phát triển loại cây này cách đây 10 năm". GS. Võ Tòng Xuân thì cho rằng: " Mỗi năm chúng ta nhập 1-1,5 triệu tấn ngô BĐG để chế biến thức ăn chăn nuôi cho gia súc, sự chậm trễ đưa cây BĐG vào trồng là thiệt hại cho người nông dân và cả ngành nông nghiệp". Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đồng Quảng thừa nhận, kết quả khảo nghiệm ngô BĐG cho kết quả tốt, độ an toàn sinh học cao. Sở dĩ Việt Nam đặt ra vấn đề trồng ngô BĐG trong các năm tới như một vấn đề mang tính chiến lược, bởi nhu cầu bức thiết về nguồn thức ăn gia súc đang thiếu hụt. Nhiều khả năng, Bộ NN&PTNT sẽ cho phép trồng đại trà ngô biến đổi gen trong năm 2013-2014.

Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, một số nhà khoa học vẫn lo ngại về giống ngô BĐG khi đưa vào áp dụng trồng đại trà, bởi cây trồng BĐG là lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp, lại mới được làm thử nghiệm ở nước ta. GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, thời gian khảo nghiệm ngô BĐG mới tiến hành được hai vụ. Do đó, kết quả trên mới chỉ là triển vọng, để đánh giá mỗi loại giống cây trồng mới đều phải tiến hành 3 lần mới được công nhận. GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng cũng cho rằng, muốn đưa bất kỳ loại cây BĐG vào trồng cần có đánh giá rủi ro, giám sát chặt chẽ, phải tính toán kỹ lưỡng. Ở Việt Nam mới khảo nghiệm 2 vụ là chưa đủ điều kiện kết luận, nhưng kết quả này là một bước quan trọng để làm tiếp khảo nghiệm một vài vụ nữa. GS. Trần Đình Long lưu ý về thông tin việc Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu có những thông tin chống cây trồng BĐG, do đó Việt Nam càng phải thận trọng, không thể kết luận vội vàng. GS. Trần Hồng Uy cho rằng, mới gieo trồng qua một vài vụ không thể biết được cây trồng BĐG có ảnh hưởng đến sinh vật, môi trường hay không mà phải tiếp tục khảo nghiệm tiếp bởi ảnh hưởng của cây trồng BĐG sau một hai năm đầu khảo nghiệm chưa thể kết luận sự an toàn, mà phải 5-10 năm mới biết được. Mặc dù bày tỏ quan điểm ủng hộ, song GS. Nguyễn Lân Dũng yêu cầu, để an toàn, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT và Y tế phải có trách nhiệm khảo nghiệm, đánh giá theo đúng quy trình của Nhà nước. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, chỉ cần khảo nghiệm thêm một vụ nữa mà vẫn cho kết quả tốt thì nên cho mở rộng trồng ngô BĐG, không nên đợi khảo nghiệm hết sẽ rất lâu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, việc ứng dụng cây trồng BĐG vào sản xuất là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt nước ta mới tiếp cận với loại cây này. Bước đầu, Bộ NN&PTNT sẽ công nhận khảo nghiệm, sau đó sẽ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường rồi mới đưa ra khuyến cáo công nhận kết quả hay không. Trong thời gian tới, Hội đồng khoa học của Bộ NN&PTNT sẽ có cuộc họp và đưa ra kết luận chính thức, nếu thuận lợi, có thể đưa cây trồng BĐG vào sản xuất đại trà.

Thúy Nga