Giữa hai chiều thời gian
Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 30/04/2012
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Dừng chân bên bờ sông Bến Hải, con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, chạy dọc vĩ tuyến 17 từ Tây sang Đông và đổ ra biển Đông tại Cửa Tùng, những câu chuyện về cuộc chiến thầm lặng ở vĩ tuyến 17, nơi giới tuyến tạm thời năm xưa, qua giọng kể của cô hướng dẫn viên Khu di tích đôi bờ Hiền Lương Trần Thị Hằng thực sự làm nhiều người xúc động...
Sau Hiệp định Geneve 20-7-1954, Vĩnh Linh trở thành khu giới tuyến, con sông Bến Hải trở thành "sông tuyến", cầu Hiền Lương là "nhịp cầu tuyến", cột cờ đầu cầu là "cột cờ tuyến", người dân Vĩnh Linh là "dân giới tuyến" và người chiến sĩ công an vũ trang gác ở đầu cầu Hiền Lương là "công an giới tuyến" cùng với những chiếc "loa giới tuyến"... Bởi thế, cầu Hiền Lương đã trở thành "nhân chứng lịch sử" với hơn 20 năm mang trên mình nỗi đau đất nước chia cắt, chứng kiến cảnh tang tóc, đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung của nhân dân đôi bờ Nam - Bắc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Mỗi hiện vật, mỗi thớ đất tại cụm di tích lịch sử đôi bờ như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ phía bờ Bắc, Đồn Công an vũ trang giới tuyến, dàn loa phóng thanh… đều lưu giữ dấu ấn của một thời hào hùng.
Tháng Tư, miền Trung bắt đầu vào hạ, gió phơn chưa làm rát mặt người nhưng cái nắng đã bắt đầu gay gắt. Dòng người về với Quảng Trị nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng ngày một nhiều hơn. Bầu trời Quảng Trị như nhòa trong nhang khói thiêng liêng hơn khi những chuyến hành hương về nguồn vẫn nối dài, những dòng nước mắt vẫn lăn dài trên gương mặt các cựu chiến binh và hàng vạn người dân đất Việt khi hành hương về chiến trường xưa. Anh Nguyễn Bá Anh, Phó ban Quản trang Nghĩa trang Trường Sơn - nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ cho biết: "Trung bình mỗi năm chúng tôi tiếp đón gần 13.000 lượt khách đến thăm. Năm nay kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, lượng khách chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Hiện tại, chúng tôi đang khẩn trương nâng cấp nhà truyền thống trưng bày các hiện vật của bộ đội Trường Sơn để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu thăm viếng của nhân dân. Dự kiến từ nay đến tháng 7 công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng". Ngoài 72 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 52.000 ngôi mộ trên địa bàn, Quảng Trị còn có một "nghĩa trang xanh" lưu giữ hình hài của hàng vạn chiến sĩ. Nghĩa trang ấy có tên sông Thạch Hãn để mỗi bận về thăm lại chiến trường xưa, dòng người hành hương lại thả hoa viếng các anh hùng liệt sĩ. Cũng trong tháng Tư này, tôi biết rằng cuốn sổ lưu niệm các nghĩa trang lại tràn ngập những cảm xúc bất tận của dòng người từ khắp nơi tìm về…
Một góc thành phố Đông Hà, Quảng Trị hôm nay.
Hòa trong dòng người về tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị, tôi đã có may mắn gặp được các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường máu lửa này. Dù giờ đây mỗi người một công việc, một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở lòng hướng về đồng đội.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trung đoàn phó Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972, trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1 và Đại đội 14 đánh chiếm thị xã và Thành cổ Quảng Trị, từng được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản lâm thời thị xã Quảng Trị cho biết: "Đã từ lâu lắm rồi tôi xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình, năm nào tôi cũng về lại nơi đây từ 2 đến 3 lần để thắp hương cho đồng đội. Lần về thăm chiến trường xưa nào cũng để lại trong tôi nhiều xúc động. Từ đầu năm 2012 đến nay, tôi đã trở lại Quảng Trị 5 lần. Mảnh đất bom đạn năm xưa nay đã thay da đổi thịt rất nhiều, Thành cổ nơi tôi cùng đồng đội chiến đấu ngày nào giờ đã xanh tươi trở lại. Lần này vào Quảng Trị, chúng tôi còn gánh một trọng trách nữa, đó là tiến hành khởi công xây dựng Tượng đài Chiến thắng của Sư đoàn 325 tại An Đôn trong dịp 30-4 này". Thiếu tá Quách Mạnh Hùng, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 325 nhớ lại: ''Ngày nào trong 81 ngày đêm chiến đấu tại Quảng Trị với tôi cũng đều là kỷ niệm, dù kỷ niệm ấy có nhiều đau thương, mất mát. Chúng tôi đã đi viếng nghĩa trang liệt sĩ - nơi đồng đội đang yên nghỉ và vẫn có cảm giác như các anh đang đứng thành hàng dọc hô nghiêm dõng dạc trước khi vào trận đánh. Nhiều đồng đội của tôi dù mái tóc điểm bạc, dù đã mang quân hàm cấp tướng nhưng đã không kìm được cảm xúc, ôm bia mộ đồng đội khóc lặng…".
40 năm sau giải phóng, Quảng Trị hôm nay đang tiến những bước vững chắc trên con đường xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới trở thành một trong những địa chỉ đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tính đến năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 11 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký gần 43,7 triệu USD, trong đó có 8 dự án đang hoạt động. Các hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tiêu điểm là Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, đang không ngừng phát triển, mang lại diện mạo mới cho vùng đất xưa kia vốn nghèo khó, hoang hóa và khô cằn. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 10,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 58,5 triệu USD, tổng thu ngân sách đạt 1.466 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5% so với năm trước, 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập THCS… Những thành quả bước đầu trên con đường đổi mới chính là nền tảng vững chắc để Quảng Trị tiếp tục phát huy tinh thần anh hùng cách mạng, vững bước trên con đường đi lên no ấm…
Những âm thanh của cuộc sống hiện tại và tiếng vọng từ lịch sử như đang giao hòa, trở thành niềm tự hào và hành trang quý giá cho lớp trẻ Quảng Trị hôm nay…