Lấy công nghiệp, đô thị “đỡ” nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:04, 30/04/2012

(HNM) - Về Đông Anh những ngày này, trên mỗi cung đường của một thời đạn lửa, đau thương đã lùi xa. Thay vào đó là những trục đường giao thông rộng thênh thang, những cánh đồng rau màu xanh tốt trải dài từ Nam Hồng, Vân Nội… tới Cổ Loa; những nhà máy, khu công nghiệp hiện đại; những công trình giao thông trọng điểm đang được kết nối; chuỗi đô thị ven sông Hồng đang định hình… Một luồng sinh khí mới như vừa qua đây để ở đâu ta cũng gặp những gương mặt ngời lên niềm vui, hạnh phúc.

Đất anh hùng vươn lên giàu mạnh

Đông Anh là địa phương có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng với trên 300 di tích lịch sử. Với vị trí địa lý khá thuận lợi, tạo điều kiện cho việc giao lưu giữa Hà Nội với các tỉnh Đông Bắc và là cửa ngõ giao lưu quốc tế trên địa bàn huyện đã có hơn 100 doanh nghiệp lớn, trong đó có 4 liên doanh với nước ngoài đi vào hoạt động, hằng năm tạo việc làm cho gần 100.000 lao động trong và ngoài địa phương, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của huyện. Dù gặp nhiều khó khăn, song năm 2011, Đông Anh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 10,5% so với năm 2010. Các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội được triển khai tốt. Huyện tổ chức quyên góp 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ cho 4.000 đối tượng khó khăn; mở 12 lớp dạy nghề cho 386 lao động…

Sản xuất tại Công ty Cơ khí xây lắp thương mại Minh Cường (Uy Nỗ, Đông Anh). Ảnh: Bảo Lâm

Cụ Trương Văn Xiêm nguyên là Chủ nhiệm HTX, Bí thư Chi bộ thôn Nhồi Trên, xã Cổ Loa - người một thời năng động, lặn lội với nhiều phong trào thi đua sản xuất như " Ba sào năm việc", "Ba mũi xung kích thắng Mỹ"… cho biết, hồi ấy, dù xã chỉ có 7.000 dân nhưng vẫn đóng góp cho tiền tuyến 112 tấn rau, thịt, cá, thực phẩm thiết yếu mỗi năm. Ngày nay, những địa danh lịch sử cách mạng ở Đông Anh đã trở nên hấp dẫn hơn nhờ cảnh quan sinh thái, môi trường được cải thiện. Bờ nối bờ, vùng nối vùng, tiếng cá quẫy nhẹ mặt ao và rặng cây ăn quả trên bờ xum xuê trái... Chuyện làm giàu từ đồng đất nghe đã quen. Làng quê không còn sự ngột ngạt, xôn xao vì đô thị hóa mà ngược lại bổ trợ, hài hòa, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Đăng Sơn khẳng định, các phong trào thi đua của xã đều tập trung vào nội dung phát huy các giá trị truyền thống, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để tạo nên động lực, khí thế mới. Nhờ được triển khai thường xuyên và thành các đợt cao điểm chào mừng các ngày kỷ niệm sự kiện lớn, các đợt thi đua đã được hưởng ứng và có sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các phong trào chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trang trại; cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" … đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn, góp phần làm bộ mặt Cổ Loa thay đổi từng ngày. Dù là một xã thuần nông, song trong xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân ở đây có ý thức, trách nhiệm rất cao.

Hài hòa phát triển đô thị và nông thôn

Huyện Đông Anh xác định phải quyết tâm đi lên, trước hết bằng chính nội lực của mình. Huyện đã phát động phong trào xây dựng NTM với mục tiêu: Trong năm 2012, Xuân Nộn sẽ là xã điểm đầu tiên trên tổng số 24 xã, thị trấn của Đông Anh đạt chuẩn NTM. Hiện đã có trên 20 doanh nghiệp đã đăng ký chung sức xây dựng NTM đợt 1 với 129,7 tỷ đồng. Huyện đã vận động được trên 224 hộ dân các xã hiến khoảng 3.750m2 đất mở đường giao thông.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Châm khẳng định, huyện có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phong trào NTM, trong đó đặc biệt là nguồn lực từ quá trình đô thị hóa. Hướng đi của huyện là chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp - thương mại và dịch vụ - nông nghiệp, mỗi năm huyện sẽ chuyển đổi trung bình khoảng 500ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất là một đòi hỏi cấp thiết, do đó, ngoài quy hoạch hệ thống dịch vụ liên hoàn trong các khu đô thị, công nghiệp… trong bối cảnh khó khăn chung của các làng nghề, huyện Đông Anh đẩy mạnh phát triển các khu, cụm công nghiệp làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng SXKD, môi trường, điện, nước, đường giao thông để các làng nghề vượt qua khó khăn, giải quyết vấn đề lao động. Hiện huyện Đông Anh đang gấp rút hoàn thành xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Liên Hà có quy mô 30,24ha với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Vân Hà có quy mô 10,12ha với tổng vốn đầu tư 98 tỷ đồng. Với hơn 9.000ha đất nông nghiệp, Đông Anh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư, hình thành các vùng tập trung sản xuất rau an toàn và cây trồng có giá trị kinh tế cao; phấn đấu tăng thêm 200ha sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại 5 xã.

Có thể thấy truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng là cội nguồn sức mạnh của người dân Đông Anh trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bạch Thanh