Thấp thỏm nỗi lo… tăng giá

Kinh tế - Ngày đăng : 06:52, 30/04/2012

(HNM) - Quyết định tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng/tháng được áp dụng từ ngày 1-5-2012 là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm góp phần cải thiện đời sống người lao động. Thế nhưng dù mức lương cơ bản đã liên tục được điều chỉnh, thậm chí tăng cao hơn tốc độ tăng giá tiêu dùng, nhưng sống được bằng lương vẫn là mơ ước của số đông người lao động. Xây dựng một chính sách cải cách tiền lương phù hợp kèm theo việc quản lý chặt chẽ giá thị trường không phải vấn đề mới nhưng luôn "nóng".


Chưa kịp mừng đã vội… lo

Từ đầu năm đến nay, người dân đã phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá, nhất là giá hàng thiết yếu. Riêng 2 tháng gần đây, giá bán lẻ xăng, dầu tiếp tục tăng mạnh (vào đầu tháng 3 và cuối tháng 4), làm tăng giá dịch vụ vận chuyển, qua đó tác động tới giá bán của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ. Từ sau Tết Nguyên đán, giá thực phẩm, rau xanh đã tăng lên một mức mới. Giá sữa bột, sữa nước cũng tăng 5-10% tùy theo chủng loại… Hàng thiết yếu tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mỗi gia đình. Thực tế này đã khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu để chống chọi với bão giá và điều này gây ra những tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Thực phẩm thiết yếu liệu có tăng giá theo lương? Ảnh: Trung Kiên


Trong bối cảnh giá hàng hóa, dịch vụ liên tục tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, quyết định tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1-5-2012 của Chính phủ là tin vui với đông đảo người lao động. Tuy nhiên, niềm vui được tăng lương cũng đi kèm với nỗi lo lương tăng không theo kịp giá. Chị Nguyễn Thu Trang, một nhân viên văn phòng sống tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, với hệ số lương công chức 2,79 đang được hưởng, sau khi áp dụng mức lương mới, tiền lương hằng tháng của chị sẽ tăng lên gần 3 triệu đồng, cao hơn 20% so với mức lương cũ. Cộng thêm một vài khoản phụ cấp của cơ quan, tổng thu nhập của chị Trang ở mức gần 4 triệu đồng, tạm đủ chi tiêu cho bản thân chứ không thể đóng góp gì cho gia đình. Tiền học phí của con và những khoản chi tiêu trong gia đình đều do chồng chị đang công tác tại một công ty cổ phần trang trải. Tuy nhiên, theo chị Trang, niềm vui tăng lương cũng luôn đi kèm với nỗi lo tăng giá, bởi theo quy luật, khi lương cơ bản điều chỉnh, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo.

Tính chung từ năm 2008 đến năm 2011, mức lương tối thiểu đã tăng thêm 84,4%, còn mức tăng giá tiêu dùng tăng 68,4%. Tuy nhiên, chỉ số giá hàng lương thực, thực phẩm đã tăng tới 105,4%. Như vậy, so với giá lương thực, thực phẩm, mức tăng lương tối thiểu đã âm 10,2%. Con số này cho thấy, tốc độ tăng lương trên thực tế vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng giá và sống được bằng lương vẫn là mơ ước của số đông người lao động hiện nay.

Lương công chức không đáp ứng được mức sống tối thiểu

Một khảo sát về tiền lương của cán bộ, công chức thực hiện mới đây cho thấy, thu nhập từ lương mới chỉ đáp ứng 65-70% mức sống tối thiểu. Mặc dù tiền lương công chức đã liên tục được điều chỉnh tăng cao, song mức điều chỉnh tiền lương thực tế bình quân hằng năm giai đoạn 2003-2011 cũng chỉ bằng 1/2 đến 1/4 mức điều chỉnh bình quân hằng năm giai đoạn 1993-2002. Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách chứ chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương tối thiểu chung của năm 2011 chỉ bằng 59,3% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất; bằng 41,5% mức lương tối thiểu cao nhất của DN và chỉ bằng 58,1% mức chi tiêu bình quân một nhân khẩu năm 2011. Theo tính toán, kể cả sau khi tăng lương tối thiểu từ tháng 5-2012, mức lương trung bình (chia cho 22 ngày làm việc/tháng) của công chức sẽ khoảng hơn 100.000 đồng/ngày, quá thấp so với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường lao động hiện nay.

Việc phải tiếp tục cải cách tiền lương cho phù hợp với thực tế đã rõ ràng, song làm thế nào để cân đối với nguồn ngân sách vẫn là bài toán khó đối với ngành tài chính. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các cam kết hội nhập, ngân sách nhà nước đã giảm thu khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Thực tế này đã khiến nhiệm vụ cải cách tiền lương càng thêm khó khăn do nguồn ngân sách hạn hẹp, không đủ đáp ứng các nhiệm vụ chi cho toàn xã hội mỗi năm. Tuy nhiên, theo dự toán chi ngân sách của Bộ Tài chính, năm 2012 sẽ dành 59.000 tỷ đồng cải cách tiền lương. Nguồn ngân sách này sẽ được sử dụng để tăng lương tối thiểu lên mức 1.050.000 đồng/tháng, trợ cấp lương hưu bằng tốc độ tăng tiền lương tối thiểu, phụ cấp công vụ 25%...

Bên cạnh việc bố trí nguồn ngân sách để cải cách tiền lương, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra giá hàng thiết yếu, chú trọng xăng, dầu, thuốc chữa bệnh, sữa bột… Nỗ lực này nhằm hạn chế và xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý, góp phần giúp việc tăng lương thực sự có ý nghĩa đối với người lao động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng 4-2012 chỉ tăng 0,05% so với tháng trước. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,6% so với tháng 12-2011. Đây có thể coi là một kết quả tích cực trong "cuộc chiến" kiềm chế lạm phát nhưng cũng là dấu hiệu của tình trạng giảm phát, sức mua giảm và SXKD đang gặp nhiều khó khăn.

Hương Ly