Thêm minh chứng soi rọi lịch sử
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 30/04/2012
Thông qua các tác phẩm thơ văn Lý - Trần, khối tư liệu, hiện vật khảo cổ tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long và các điểm di tích liên quan đến Hành cung Thiên Trường, cuộc trưng bày này đã phản ánh mối quan hệ đặc biệt giữa Thăng Long với Thiên Trường dưới thời Trần.
Khách tham quan các hiện vật “Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần”. Ảnh: Thu Hiền |
Khẳng định mối quan hệ đặc biệt
Sau cuộc trưng bày vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến bây giờ người dân Thủ đô và khách tham quan mới có cơ hội tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung, thời nhà Trần nói riêng thông qua các hiện vật được tìm thấy trong lòng đất tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Quy mô không lớn như dịp Đại lễ, song khối tư liệu, hiện vật được giới thiệu tại 3 gian trưng bày có phần độc đáo hơn bởi nguồn tư liệu, hiện vật này được phát hiện không chỉ ở Hoàng thành Thăng Long mà còn ở nhiều điểm di tích liên quan đến Hành cung Thiên Trường như chùa Đề Tứ, miếu Vạn Điệp, lăng Trần Hưng Đạo… (Nam Định).
Nếu hệ thống tài liệu, hiện vật trong khuôn khổ "Thăng Long - Thiên Trường dưới triều Trần" không được trưng bày riêng biệt, theo các tiểu chủ đề riêng thì khi tham quan, du khách khó có thể nhận ra sự khác biệt về nguồn gốc của khối hiện vật được trưng bày. Qua 3 gian trưng bày, người ta dễ dàng đưa ra nhận định về nét tương đồng giữa khối hiện vật ở các gian. Hiện vật kiến trúc tiêu biểu của thời Trần được tìm thấy ở Thăng Long như lá đề cân trang trí hình rồng, hình chim phượng, lưỡi đầu rồng, phù điêu rồng, lá đề lệch… có nét tương tự như khối hiện vật mà Bảo tàng tỉnh Nam Định thu được qua các đợt sưu tầm, khai quật trên địa bàn tỉnh này. Đồ dùng sinh hoạt trong Hoàng cung nhà Trần ở Thăng Long và Thiên Trường, gồm bát hương, nghiên mực, chậu hoa… cũng có chất men tương đồng, đó là men nâu, trang trí hình hoa chanh dây tinh xảo.
Anh Phùng Văn Quỳnh, cán bộ Phòng Thiết kế trưng bày (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết: Vật dụng kiến trúc xây dựng Hoàng cung dưới thời Trần ở Thăng Long hay ở Thiên Trường đều có họa tiết trang trí hình rồng, phượng; một số hiện vật có hình đôi rồng, đôi phượng chầu. Trong thực tế, chỉ những nơi ghi rõ dấu ấn hoàng tộc thì các công trình kiến trúc mới được trang trí các họa tiết hình rồng, phượng. Như vậy, tư liệu, hiện vật được trưng bày, giới thiệu tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có thể được coi là bằng chứng sinh động cho nhận định: bên cạnh Kinh đô Thăng Long, Thiên Trường (Nam Định) là kinh đô thứ hai, là căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt thời Trần thế kỷ XIII-XIV, góp phần làm nên những kỳ tích trong lịch sử vẻ vang của dân tộc.
"Thước đo" giá trị hiện vật cùng thời
Không chỉ là minh chứng khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa Thăng Long và Thiên Trường dưới triều Trần, nguồn tư liệu, hiện vật này còn là "thước đo" giá trị của hiện vật cùng thời.
Nổi bật trong số hơn 100 hiện vật trưng bày là mô hình nhà với kiến trúc "nội công ngoại quốc" - lối kiến trúc đặc trưng của quý tộc nhà Trần, được tìm thấy ở thôn Lời, xã Hiền Khánh, huyện Vụ Bản (Nam Định). Đây là hiện vật hiếm, đến nay giới nghiên cứu chưa tìm thấy thứ tương tự. Đáng nói hơn là trong quá trình tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu mô hình nhà đặc biệt này, các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện thú vị về đồ án kiến trúc xây dựng thời Trần. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết: Dưới thời Trần, các công trình của Hoàng cung thường được xây dựng bằng gạch vuông hoặc gạch chữ nhật, mái lợp ngói mũi, ngói nhọn, đầu đao có trang trí hình lá đề, rồng, phượng, uyên ương... "Các hiện vật đều có niên đại đã được xác định chính xác tuyệt đối, có thể lấy làm mẫu, làm chuẩn để đánh giá niên đại, giá trị của các hiện vật khác thuộc thế kỷ XIII, XIV" - ông Nguyễn Văn Thư khẳng định.
Dưới góc nhìn của người đam mê cổ vật, ông Phạm Văn Đúng, hội viên Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: "Kiến trúc, văn hóa thời Trần tuy rõ nét đặc trưng song vẫn có sự kế thừa và phát triển từ thời Lý. Các triều đại sau này tiếp tục kế thừa, sáng tạo một cách có chọn lọc văn hóa triều đại trước, tạo nên nền văn hóa Việt Nam sinh động, đa dạng trong thống nhất. Thời đại Hồ Chí Minh, văn hóa luôn được coi là sức mạnh, là nền tảng, là động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cũng không thể thiếu sức mạnh của văn hóa dân tộc".