Ý Đảng, lòng dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 30/04/2012

(HNM) - Ba mươi bảy năm đã đi qua. Ta ngoảnh lại để tự hỏi lòng mình nước mắt nào còn đọng giữa ngày vui?


Ba mươi bảy năm, bao nhiêu vết thương trên cơ thể đất nước, trên cơ thể bao người, trong thẳm sâu suy nghĩ của mỗi người, còn vết thương nào chưa được chữa khỏi?

Ba mươi bảy năm, người Hà Nội đã đi cùng cả nước trong khát khao và hy vọng, trong chấp nhận để dấn thân, trong day dứt muốn khẳng định mình cho một Hà Nội luôn đẹp hơn mỗi ngày nhưng vẫn mãi là nơi lắng hồn sông núi.


Cầu vượt lắp nhẹ hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Huy Hùng

Ba mươi bảy năm, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kế hoạch 5 năm đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Hà Nội đã cùng cả nước sắp xếp lại sản xuất, phân bố lực lượng lao động xã hội, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.

Nhưng, cũng 5 năm đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất ấy, kết quả sản xuất của cả nước được đánh giá là: "Chưa tương xứng với sức lao động và vốn đầu tư bỏ ra, nền kinh tế quốc dân mất cân đối trầm trọng, tiền tệ không ổn định, đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn. Tất cả những điều ấy đã làm cho lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước giảm sút" (Một vài nét về kinh tế - xã hội Việt Nam. Cổng thông tin điện tử Chính phủ).

Người dân vui chơi trong những ngày nghỉ lễ. Ảnh: Bảo Lâm


Để rồi, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981 - 1985) sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển khá, tăng 4,9% so với 1,9% của thời kỳ 1976-1980. Sản lượng lương thực từ 13 triệu tấn lên 17 triệu tấn. Thu nhập quốc dân tăng bình quân 6,4% so với 0,4% so với 5 năm trước đó. 5 năm cũng là bước thay đổi đầu tiên trong cách nhìn về nền kinh tế nhiều thành phần mà miền Bắc tồn tại dưới ba hình thức: quốc doanh, tập thể và cá thể; còn miền Nam là: quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, tư bản tư nhân và cá thể. Đây chính là bước khởi đầu thay đổi cơ cấu các chủ thể sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề cho sự phát triển của kinh tế thị trường.

Nhưng, dù cuộc cách mạng nào dẫu đạt đến thành quả cuối cùng cũng không thể tránh khỏi những tổn thương trong suốt quá trình vận động. Cuộc lột xác của giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Sau những ngày hân hoan trong chiến thắng, rạo rực giữa cờ hoa, là những ngày không chỉ người Hà Nội mà người dân cả nước vật lộn mong lo cho được một manh áo lành, một bữa cơm không độn, một ngày không phải nuốt bo bo. Trong cái khó ấy, người Hà Nội cũng phải biết "tự cứu mình trước khi trời cứu" (Lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) để chọn cho mình cách làm sáng tạo, góp phần vào việc ổn định đời sống và sự phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước.

Mười năm sau, từ những năm 1990 đến năm cuối cùng của thế kỷ XX, Hà Nội đã góp một phần quan trọng trong tốc độ tăng GDP bình quân của cả nước mỗi năm đạt 7,5%, để luôn trở thành một trong những điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.


Rồi, những năm đầu của thế kỷ XXI đã đến, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động khôn lường với không ít thuận lợi và khó khăn khiến cho thời cơ và thách thức luôn đan xen nhau. Thêm nữa, những diễn biến của một thế giới vừa hợp tác vừa đối đầu, trong hòa bình vẫn luôn tiềm ẩn những mầm mống của xung đột, cũng tạo ra không ít thời cơ và thử thách với mỗi dân tộc mà Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy phức tạp này.

Phát triển kinh tế - xã hội luôn gắn với xây dựng tiềm lực cho an ninh, quốc phòng đủ mạnh để giữ vẹn nguyên bờ cõi cũng là thách thức không nhỏ với cả dân tộc. Trong tinh thần Việt Nam muốn làm bạn với mọi quốc gia, giữ mối hòa hiếu với mọi dân tộc, chúng ta cũng tự biết mình cần phải làm gì khi Tổ quốc bị xâm lăng.

Ba mươi bảy năm đi qua cũng chính là ba mươi bảy năm đầy thử thách với Đảng bộ Hà Nội. Dường như mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ Hà Nội qua đi hay sắp tới, lại là một lần giúp mỗi cán bộ, đảng viên của Thủ đô tự nhìn lại mình mà đặt câu hỏi chúng ta đã làm được gì cho nhân dân, cho thành phố?

"Phúc chu thủy tín dân do thủy" (Lật thuyền mới biết sức dân như nước). Nhưng, dân cũng là người đẩy thuyền vượt lên, đưa thuyền đi xa hơn, dìu đỡ thuyền trong mọi phong ba bão táp. Ở mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ Hà Nội, câu chuyện lòng dân luôn trở thành mục tiêu phấn đấu lớn nhất cho mọi nhiệm vụ mà mỗi người cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Chỉ có từ dân mới đo được phẩm chất của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo và quản lý. Công tác cán bộ của Hà Nội chưa phải thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng đạt đến mức hoàn hảo. Nhưng, Hà Nội luôn dũng cảm thừa nhận thực tế ấy để có những điều chỉnh thấu lý, đạt tình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là gốc của mọi công việc". Mỗi lần luân chuyển, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là lại thêm một lần Hà Nội tự biết mình đã chọn đúng hay chưa sát những người "cầm cân nảy mực" ở một đơn vị, một địa bàn. Khi cán bộ vừa có tâm vừa đủ tầm, mọi nhiệm vụ không chỉ trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội chắc chắn luôn đạt được hiệu quả cao nhất.

Ngày Thăng Long ngàn tuổi đã qua. Người Hà Nội chưa hẳn đã cảm thấy thật sự hài lòng về những công trình dành cho thành phố ngàn năm tuổi. Vâng, thành phố giờ đã mở rộng hơn. Hạ tầng xã hội đã được cải thiện nhiều. Thành phố đang thực sự trở thành một công trường lớn trong xây dựng, khi mà nhiều đường phố mới được mở mang, nhiều khu đô thị đã và đang tiếp tục được hoàn thiện. Rồi, một ngày không xa nữa, chắc chắn sẽ có thêm nhiều công dân của Thủ đô biết mình may mắn có được nơi an cư theo đúng khả năng. Nhưng, cũng trong sự phát triển xem ra rất nóng ấy, Hà Nội cũng nhận ra những tác động không nhỏ của lợi ích cộng đồng để quyết liệt giữ lại một con đường, một vườn hoa, một hồ nước, một không gian xanh cho thành phố đang ở bước chuyển mình.

Ý Đảng luôn tìm gặp tiếng nói chung của lòng dân. Bởi, với Hà Nội, với mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý của thành phố, đời sống thực tiễn hôm nay luôn hàm chứa đầy đủ mọi giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc mà máu và nước mắt của nhân dân đã hy sinh phải luôn song hành trong mọi day dứt của từng cán bộ, đảng viên.

Ba mươi bảy năm sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người Hà Nội nhìn lại mà biết rằng, mình không hổ thẹn với con em không trở về trong ngày vui đoàn tụ của cả dân tộc.

Ba mươi bảy năm ấy, những người còn sống đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi cho thành phố đẹp hơn, văn minh hơn, để rồi cũng chợt thấy chạnh buồn sao còn chưa thanh lịch? Trách nhiệm ấy chẳng lẽ lại thuộc về mỗi gia đình? Những tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội dẫu đã làm được nhiều việc lớn, liệu có coi đây là việc nhỏ, chuyện đời thường?

Chính sự day dứt về trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên đã làm nên những nghị quyết, những kế hoạch lớn của thành phố nhằm xây dựng một lớp người Hà Nội có tri thức và văn hóa để từ đó giữ gìn và phát huy nét thanh lịch vốn có của người Thăng Long, người Hà Nội. Cũng mong, những trăn trở để quyết tâm ấy của lãnh đạo Hà Nội được mỗi cán bộ, đảng viên tiếp nhận mà biến thành hành động cụ thể từ mỗi tổ chức cơ sở đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, xóm, làng.

Ba mươi bảy năm, mỗi thăng trầm của đời sống xã hội luôn in dấu trong sinh hoạt thường nhật của từng gia đình Hà Nội. Người Hà Nội hôm nay đã khá giả hơn trước, thậm chí một số người đã trở thành giàu có. Đấy là điều đáng mừng của một xã hội đang phát triển. Nhưng, khi mà số hộ nghèo của Hà Nội hiện cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, khi mà giáo dục - đào tạo có nhiều bước tiến lớn nhưng ta vẫn thấy nao buồn khi con em chúng ta luôn yếu về kỹ năng làm việc, hạn chế về giao tiếp ứng xử. Liệu sự khiếm khuyết ấy của những chủ nhân tương lai lại không có trách nhiệm của chúng ta - lớp người đi trước?

Câu khẩu hiệu mới "Tương lai con em chúng ta phụ thuộc vào chính chúng ta" đang là thách thức nhưng chính là quyết tâm của Đảng bộ Hà Nội hôm nay.

Ba mươi bảy năm đi qua, câu chuyện về ý Đảng - lòng dân liệu mãi làm trăn trở mỗi chúng ta?

Nguyễn Hòa Bình