Họ mãi sống trong tôi với nụ cười đẹp nhất!
Văn hóa - Ngày đăng : 05:46, 30/04/2012
Những tấm ảnh về Thành cổ Quảng Trị ngày đó mang dấu ấn phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính của Báo Quân đội nhân dân, một cái tên đáng kính nể với phóng viên chiến trường của nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài như AP, AFP, UPI, Reuters, BBC… Trong không gian gợi nhớ một thuở hào hùng, Đoàn Công Tính nói như thể chiến tranh mới ngày hôm qua: "Ôi trời! Pháo Hạm đội 7, bom B.52 của Mỹ nhìn từ bờ bắc sông Thạch Hãn cứ như bắn pháo hoa…".
“Nụ cười dưới chân Thành cổ” - tác phẩm chụp ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính. |
- Thưa nhà nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, trong điều kiện chiến đấu ác liệt lúc đó, lực lượng phóng viên hoạt động ở Thành cổ Quảng Trị như thế nào?
- Có 3 tuyến phóng viên báo chí, điện ảnh, chủ yếu là của Báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Điện ảnh Việt Nam "mai phục" làm tin. Phóng viên viết ở bờ bắc sông Bến Hải, dễ đưa bài chuyển tin ngay ra phía bắc. Phóng viên ảnh nằm sát hơn, ở sông Hiếu Giang chảy qua chợ Đông Hà. Tuyến 3 nằm sát bờ bắc sông Thạch Hãn, chỉ cần qua sông là đối mặt với chiến trường ác liệt, giữa bom đạn, sự sống hay cái chết không đoán định được.
Lúc đầu tôi nằm ở Hiếu Giang, nhưng vì không chụp được gì đáng kể nên quyết định đi sâu vào bờ bắc sông Thạch Hãn. Mấy đêm liền chứng kiến cảnh vượt sông của các đoàn quân chủ lực dưới ánh sáng đạn pháo và bom, tôi nôn nóng, và rồi quyết định vượt sông. Đêm đó gắn liền với một kỷ niệm xót xa, nhiều chiến sĩ vốn ở những đơn vị tác chiến vùng rừng núi, nay qua sông dưới pháo sáng và bom nên chưa kịp ứng phó, đã tuột phao bơi và bị nước cuốn. Mà cuộc hành quân, di chuyển đội hình thì không thể dừng lại, phải tranh thủ từng phút, tổn thất không thể tránh được…
- Thưa ông, mỗi bức ảnh cũng là một thông điệp về tinh thần chiến đấu quả cảm, về sức mạnh của quân đội ta…
- Vâng! Vào tới Thành cổ tôi mới biết do bị ta đánh mạnh, địch không thể tiếp cận được tới trong thành, song chúng dùng chiến tranh tâm lý, dựng cảnh giả ở ngoài Huế để cho phóng viên Nha Tuyên úy chụp hình rồi tung lên báo, tuyên truyền là Quân đội Sài Gòn đã tái chiếm được Quảng Trị. Chúng còn cung cấp hình ảnh cho báo chí quốc tế hòng làm lung lạc ý chí của ta trên bàn đàm phán Paris. Biết vậy, tôi tự thấy nhiệm vụ của mình là phải chụp bằng được những tấm ảnh Thành cổ Quảng Trị để người dân và quốc tế thấy rõ sự thật là ta vẫn đang làm chủ hoàn toàn tình thế ở Quảng Trị.
Tôi ở chung trong một tháng với Tiểu đoàn 8 độc lập, trực thuộc Tỉnh đội, đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Toàn bộ quân là lính Bắc, con em Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh… Một tháng ấy, tôi chứng kiến bom đạn cày xới, sự khốc liệt là không thể tả được. Đơn vị bổ sung quân liên tục, vài ngày lại thêm một loạt chiến sĩ mới…
- Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-8-1972 cũng đã viết: "Mỗi mét đất là một mét máu". Ông là phóng viên chiến trường, người chứng kiến tận mắt nhiều chuyện, ông thấy tinh thần của bộ đội ta lúc ấy ra sao?
- Tôi đã được tận mắt nhìn, chụp ảnh những dòng chữ viết bằng máu trên mũ các chiến sĩ, và đó cũng là kỷ vật của tôi: "Thà hy sinh, quyết không rời nhiệm vụ". Nhật ký, thư của họ không hề thấy sự bi lụy, chỉ thấy tình thương yêu dành cho người thân, quyết tâm chiến thắng, những suy nghĩ trong sáng về lý tưởng, về tuổi trẻ và sự dũng cảm đích thực, chứ không phải là sự liều mạng.
Tôi nhớ mãi tấm "Nụ cười dưới chân Thành cổ". Giữa một cuộc nghỉ ngơi hiếm có ở chiến trường, cái khoảng lặng đầy chết chóc của chiến trận, họ đã ùa ra khỏi hầm, bừng nở nụ cười tươi trẻ như chưa hề đối diện với cái chết. Có người đàn hát, cắt tóc, làm thơ ngâm nga… Họ nói: "Có thể ngày mai, một trong số anh em chúng tôi không còn nữa nhưng Thành cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước". Mà đúng thật, chỉ vài phút sau, nơi tôi chụp tấm ảnh đó đã bị bom, pháo đánh tan hoang và những chàng trai trong ảnh cũng lần lượt hy sinh, chỉ còn lại vài người mà hơn 30 năm sau tôi mới tình cờ gặp lại.
Đến giờ, tôi vẫn luôn nghĩ, có lẽ linh hồn những người chiến sĩ đã che chở cho tôi mang được những hình ảnh bi tráng, lạc quan của cuộc chiến đấu vì nền hòa bình, thống nhất của Tổ quốc đến với mọi người. Họ mãi sống trong tôi với nụ cười đẹp nhất!
- Xin chân thành cảm ơn ông!