Làng Thượng Yên Quyết

Xã hội - Ngày đăng : 14:47, 22/03/2004

Làng Thượng Yên Quyết (tên Nôm là làng Giấy) nay thuộc địa phận hai phường: Yên Hòa và Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Về nguồn gốc, có ý kiến cho rằng, cư dân làng này vốn từ làng Hạ Yên Quyết chuyển cư dọc theo dải đất bờ sông Nhuệ về phía Bắc, không làm ruộng mà sống bằng làm giấy và dệt.

Làng Thượng Yên Quyết (tên Nôm là làng Giấy) nay thuộc địa phận hai phường: Yên Hòa và Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Về nguồn gốc, có ý kiến cho rằng, cư dân làng này vốn từ làng Hạ Yên Quyết chuyển cư dọc theo dải đất bờ sông Nhuệ về phía Bắc, không làm ruộng mà sống bằng làm giấy và dệt.

Dần dần do dân cư đông, khác nhau về nghề nghiệp và lối sống nên tách ra thành làng riêng. ý kiến khác cho rằng, làng do một nhóm người làng An Thái (vùng Bưởi) xuống lập cư để có đất làm giấy. Thời Lê sơ, cả hai làng Thượng - Hạ Yên Quyết gọi chung là xã Yên Quyết, đến khoảng đầu thế kỷ XVI, tách thành 2 xã. Đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888), Thượng Yên Quyết đổi thành xã An (Yên) Hòa.

Dưới thời phong kiến, cùng với làng Hạ, làng Thượng Yên Quyết có truyền thống hiếu học và khoa bảng của huyện Từ Liêm với 9 người đỗ Tiến sĩ là : Đặng Công Toản (đỗ năm 1520; Hoàng Viết ái (1526), Nguyễn Tiên (đỗ Hoàng giáp, 1554), Nguyễn Dung Nghệ (1574), Đỗ Văn Tổng (1640) Đỗ Văn Luân (1659); Nguyễn Công Sán (Hoàng giáp, 1680), Đỗ Công Toản (1685) và Nguyễn Danh Hiền (1718).

Trong 9 tiến sĩ trên có Nguyễn Tiên (hay Nguyễn Sần) đỗ trong hoàn cảnh rất đặc biệt, tại khoa thi đầu tiên nhà Lê Trung Hưng tổ chức ở hành cung An Trường (miền núi tỉnh Thanh Hoá) sau 28 năm bị gián đoạn. Ông vào đến Thanh Hoá thì kỳ thi đã qua được 3 trường và bắt đầu sang trường thứ tư nhưng vẫn một mực xin vào thi. Chỉ trong 5 ngày, với trí thông minh và với kiến thức rất chắc chắn, ông đã làm luôn 4 bài thi của 4 trường và được lấy đỗ. Người đương thời gọi ông là "ngũ nhật tiến sĩ" (Tiến sĩ 5 ngày).

Trong 9 Tiến sĩ thì có 3 người là 3 bố con của một gia đình họ Đỗ và điều đáng lưu ý là do ông bố (Đỗ Văn Tổng) dạy hai con đỗ là Đỗ Văn Luân và Đỗ Công Toản. Ông Tổng còn dạy hai con khác đỗ Hương cống là Đỗ Đình Tấn và Đỗ Công Cơ trong một năm (1675). Đến lượt Đỗ Công Toản lại dạy con là Đỗ Bá Thành đỗ hương cống; Đỗ Bá Thành lại dạy hai con đỗ là Đỗ Như Hoàn, Đỗ Khắc Nhương, cả cháu nội và nhiều người khác trong họ đỗ hương cống, tạo thành bề dày truyền thống khoa bảng của dòng họ này.

Ngoài 9 tiến sĩ, làng Thượng còn có 11 người đỗ hương cống thời Lê (trong đó chiếm phần lớn là họ Đỗ). Trong số họ có ông Nguyễn Công Thịnh (1757 - 1824) ở xóm Quan Hoa, thi Hội trúng tam trường (khoa Kỷ Hợi, 1779), được bổ làm Nho học Huấn đạo phủ Lâm Thao, sau về nhà mở trường dạy học. Học trò trong vùng đến học rất đông. Sau khi thầy mất, học trò đã xây lăng thờ, góp được 2 mẫu ruộng lấy hoa lợi cúng giỗ thầy (ngày 25 tháng 3), về sau lại lập bia “Truy tự bi” vào ngày tốt tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827). Lăng và bia nay vẫn còn...

Làng Thượng xưa cũng có chế độ khuyến học thoả đáng. Làng chỉ có 42 mẫu ruộng công song vẫn dành 5 sào để biếu những người đỗ từ tú tài trở lên, võ quan từ hàm lục phẩm trở lên. Ngày chính tiệc của làng (12 tháng 2), những người này được làng biếu 10 phẩm oản. Trong đình làng có ba bậc chiếu, trong đó chiếu nhất dành cho các bậc khoa trường, chức sắc, lão nhiêu. Người đang đi học không phải phu phen tạp dịch; thời Pháp thuộc những người có bằng tuyển sinh được vào hội tư văn, không phải đi tuần, nếu đã có ngôi thứ thì được dự vào hội đồng kỳ mục.

TS. Bùi Xuân Đính

HONGHAI