“Gieo” hy vọng, “gặt” tương lai

Xã hội - Ngày đăng : 08:02, 29/04/2012

(HNM) - Đưa rơm rạ vào sản xuất rau mầm vừa mang lại lợi ích về kinh tế, cung cấp nguồn rau sạch giàu dinh dưỡng, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường là những đặc trưng cơ bản của dự án


Trước nguy hại rau xanh bị ô nhiễm bởi nước tưới, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng nặng, gây bức xúc trong xã hội, nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương gồm Trần Mạnh Đức, Lê Trung Kiên, Lê Hữu Nam, Bùi Phương Trang đã tìm tòi, nghiên cứu phương pháp trồng rau an toàn, cung cấp cho địa bàn Thủ đô. Hoàn thiện ý tưởng của chị Trần Ngọc Hải Bình, cán bộ phòng quản lý chất lượng tỉnh Nam Định, nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương đã khảo sát tình hình thực tế, xây dựng dự án "Ươm mầm xanh" sản xuất thử ở tỉnh Nam Định và thu được kết quả rất khả quan.

Trưởng nhóm Trần Mạnh Đức cho biết, quy trình là rơm rạ phơi kiệt nước, đưa vào máy xé tơi từng sợi, sau đó ủ vôi để diệt tạp khuẩn bám trên rơm rạ. Tiếp đến là ủ rơm nóng bằng chế phẩm sinh học trong bể che kín để rơm phân hủy (thời gian từ 45 đến 50 ngày tùy theo điều kiện thời tiết), sau đó khi thấy giá thể có màu vàng nâu, tơi mủn như mùn cưa là đạt chất lượng. Từ giá thể này có thể gieo các loại rau mầm như: cải bẹ xanh, cải ngọt, rau muống, rau dền, hành tây, đậu xanh, đậu đỏ… trên khay có kệ đỡ. Quy trình chăm sóc, tưới 4 lần/ngày bằng bình phun sương, thời gian từ lúc gieo đến thu hoạch là 4 đến 5 ngày, rất dễ thực hiện và áp dụng cho các hộ gia đình. Đặc biệt, giá thể có thể gieo mầm nhiều lần, mỗi lần thu hoạch xong làm vệ sinh, phơi khô diệt khuẩn và bắt đầu gieo giống quy trình trước.

Sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng bảo đảm "bốn không", không dùng đất thật, không phun thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc tăng trưởng, không sử dụng phân bón. Điều cốt lõi mà dự án thuyết phục được ban giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai và giành giải nhất đó là nhóm sinh viên đưa ra khẩu hiệu "gieo hy vọng, gặt tương lai" với kế hoạch triển khai dự án ngay trên địa bàn TP Hà Nội. Nhân công chính là những bệnh nhân suy thận đang điều trị tại các bệnh viện, trẻ em mồ côi, lang thang đang sinh sống tại Làng trẻ SOS Hà Nội, nhằm giúp họ có chi phí điều trị bệnh, vừa tiếp thêm sự lạc quan, niềm tin vào tương lai. Ngoài cung cấp rau mầm cho các gia đình, nhà hàng, siêu thị, nhóm sinh viên còn có ý tưởng sẽ cung cấp bộ sản phẩm trồng rau cho các hộ gia đình có nhu cầu. Với phần thưởng 400 nghìn yên Nhật (tương đương với 100 triệu đồng), nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương sẽ tiếp tục triển khai dự án cung cấp vốn, công nghệ và dụng cụ cho những bệnh nhân đang chạy thận và trẻ em Làng trẻ SOS tại Hà Nội trồng và cung cấp sản phẩm cho thị trường.

"Theo kế hoạch, nhóm sẽ thu mua nguyên liệu của nông dân vùng ngoại thành Hà Nội với 1 triệu/tấn để thực hiện dự án. Dù giá thành sản phẩm có cao hơn các loại rau khác (60.000 đồng/kg, rẻ hơn rau mầm gieo trên giá thể từ sơ dừa 1,9 lần), nhưng đổi lại thì đây thực sự là rau sạch, giàu dinh dưỡng. Hy vọng rằng, dự án ra đời, phát triển, mở rộng từng bước sẽ góp phần giảm tình trạng đốt rơm rạ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tầm nhìn khi tham gia giao thông, đồng thời giúp được nhiều người bệnh, trẻ em lang thang, mồ côi có thu nhập", Lê Trung Kiên, thành viên của nhóm chia sẻ.

Việt Tuấn