Có tiền, liệu sẽ có khán giả?
Thể thao - Ngày đăng : 07:39, 29/04/2012
Bản quyền truyền hình (BQTH) và lôi kéo khán giả đến sân là những mục tiêu được VPF đề cao ngay khi ra đời.
Khán giả luôn là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho các cầu thủ trong mỗi trận đấu. Ảnh: Thanh Hải
"Cuộc chiến" BQTH các giải đấu quốc gia mà VPF khơi ra cuối cùng đã khép lại. Cú gật đầu "bên quán cà phê" giữa những người có trách nhiệm của AVG và VPF cuối cùng đã giải tỏa nỗi bức xúc giữa những người tham gia sâu vào lĩnh vực bóng đá mà mỗi động thái của họ đều có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền bóng đá nước nhà. Có bản quyền truyền hình, VPF giải quyết vấn đề kinh phí dễ như trở bàn tay. Lời kêu gọi ủng hộ bóng đá Việt Nam của họ dễ dàng được 10 doanh nghiệp lớn chấp nhận. Mỗi doanh nghiệp ủng hộ 5 tỷ đồng và đổi lại là tần suất quảng cáo trên truyền hình đại chúng nhiều hơn hẳn so với trước đây.
Nhưng nếu VPF có thể giải bài toán kinh tế khá nhanh gọn thì những người "cầm cân nảy mực" trong VPF - cũng là ông chủ của một số đội bóng - lại đang đứng trước "bài toán khán giả" khó giải hơn nhiều. Tổng số khán giả tới sân theo dõi trực tiếp 13 vòng đấu của V-League 2012 là 697.500 người (trung bình 7.837 người/trận), giảm 27.000 người so với cùng thời điểm này của mùa giải 2011 (724.500 người) và giảm tới 235.000 người so với mùa giải 2009. Còn nếu so sánh trong 5 mùa giải gần đây thì số lượng khán giả ở nửa đầu mùa giải năm nay là thấp nhất.
Dưới "ngọn cờ" VPF, các ông bầu đã đưa ra nhiều biện pháp để nâng chất giải vô địch bóng đá quốc gia nhằm thu hút khán giả và nhà tài trợ. Nhưng đó là một việc khác hẳn so với kinh doanh và thu hút khán giả rất khác so với thu hút nhà tài trợ. Có nhiều lý do dẫn tới sự "ế ẩm", đáng kể nhất là làn sóng truyền hình trực tiếp các giải bóng đá Châu Âu, sự nghi ngờ vào tính trung thực của các trận đấu trong khuôn khổ V-League và nhất là chất lượng bóng đá nội chưa ở mức cao dù đã được nâng lên đáng kể trong thời gian qua… Bao nhiêu sự khó mang tính căn bản mà để vượt qua nó, người ta cần nhiều điều kiện hơn là chỉ có thật nhiều tiền. Bầu Kiên có thể giỏi giang trong làm kinh tế nhưng chưa bao giờ chứng tỏ được tài thu hút khán giả Hà Nội đến xem CLB Hà Nội ACB trước đây và nay là CLB Hà Nội. Ngay như Hà Nội T&T, đội bóng có lối chơi bắt mắt nhất V.League hiện tại cũng đang khó khăn trong việc chinh phục người hâm mộ Hà thành.
Nghịch lý ở chỗ ấy. Các ông chủ bỏ ra cả trăm tỷ đồng để đầu tư cho bóng đá nhưng cuối tuần, sân vận động vẫn vắng vẻ cho dù nhiều lúc chất lượng thi đấu của các đội không đến nỗi nào. Sài Gòn FC có thể là hình mẫu để các đội bóng khác tham khảo khi biết cách kéo cả vạn người đến sân Thống Nhất nhờ những chiêu "ngoài bóng đá" như thuê đội ngũ "chân dài" đến sân, thuê ca sĩ, danh hài biểu diễn trong giờ nghỉ giữa hai hiệp và xây dựng đội bóng đầy "sao", lấy kim chỉ nam là lối chơi cống hiến. Tuy vậy, những ông bầu khác sẽ khó chấp nhận giải pháp này vì không muốn là bản sao của người khác. Hơn nữa, những động thái "ngoài bóng đá" không phải là giải pháp căn bản để có thể mời gọi khán giả đến sân lâu dài.
Vậy thì còn cách nào để khán giả, nhất là ở những nơi đang nguội lạnh với bóng đá nội như Hà Nội, Gia Lai… đến sân, để các ông bầu thỏa chí làm bóng đá chuyên nghiệp? Đấy là bài toán đầy hóc búa với những ông bầu bóng đá đang thành đạt trên thương trường.