Bức “tường lửa” cần thiết

Xe++ - Ngày đăng : 08:10, 28/04/2012

(HNM) - Theo dự thảo Nghị định 97 mới về quản lý dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng và dự thảo Nghị định (NĐ) về dịch vụ công nghệ thông tin, các công ty nước ngoài như Google, Facebook, Yahoo... kinh doanh tại thị trường Việt Nam sẽ phải đặt văn phòng ở Việt Nam và đăng ký dịch vụ, nộp thuế theo quy định.

Nhiều video clip bạo lực học đường được phát tán trên mạng Youtube gây ảnh hưởng xấu trong xã hội.


Khoảng trống quản lý

Vấn đề lớn nhất với lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ trên mạng hiện nay chính là khung pháp lý và các chính sách chưa bắt kịp với sự phát triển. Ở khía cạnh kinh tế, các mạng, như Google, Facebook, Yahoo hiện thu hút rất đông người dùng Việt Nam. Google chiếm khoảng 80% thị phần người sử dụng internet, tương đương gần 20 triệu khách hàng. Còn mạng xã hội Facebook hiện có khoảng 3,6 triệu người dùng. Thực tế, Yahoo, Google, Facebook thu khoảng 40 triệu USD/năm tại thị trường Việt Nam, chiếm 60% thị phần quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ có 1 trong số 3 "đại gia" này là Yahoo đã mở văn phòng tại Việt Nam. Kinh doanh tại Việt Nam, nhưng chỉ chịu sự quản lý của nước ngoài, nên suốt thời gian qua, việc thất thu thuế đối với các DN này đã trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Về nội dung, có một thực tế là hiện nay các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Yahoo... đã lan tỏa và có sức ảnh hưởng rộng lớn trong cộng đồng mạng Việt Nam. Nhưng, chính từ sự lan tỏa này mà "sân chơi ảo" đã phát sinh nhiều hệ luỵ. Trên mạng Facebook có nhiều trang mang nội dung dung tục, cổ súy cho lối sống buông thả. Với Google, ngay cả khi người dùng tìm kiếm "từ khóa sạch" thì trang tìm kiếm này cũng cho ra kết quả là nội dung "bẩn" (hình ảnh dung tục, tài liệu cấm, vi phạm bản quyền…). Hay như trong danh sách 100 trang web được truy cập nhiều tại Việt Nam của trang Alexa xuất hiện nhiều địa chỉ websex. Còn trên trang Youtube, thật dễ dàng tìm thấy hàng nghìn clip, video ca nhạc với những bình luận tuyên truyền chống phá nhà nước. Nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội để tung tin xấu bôi nhọ người khác, điển hình như vụ blogger "Cô gái Đồ Long". Dù muốn hay không thì những hiện tượng, thông tin được lan truyền qua các mạng xã hội đã tác động không nhỏ tới đời sống xã hội. Vì thế, ở nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... nội dung số do nước ngoài cung cấp đều được kiểm duyệt khá chặt chẽ.

Cần môi trường công bằng và trong sạch

Theo dự thảo NĐ nói trên, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới muốn kinh doanh tại thị trường Việt Nam sẽ phải có giấy phép theo quy định. Tới đây, Bộ TT-TT sẽ có văn bản hướng dẫn quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ CNTT xuyên biên giới và đại lý kinh doanh lại dịch vụ xuyên biên giới. Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn về phương thức thu thuế với việc kinh doanh dịch vụ này. Tại cuộc hội thảo diễn ra ngày 10-4, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, DN nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh kiếm tiền, mà đã kinh doanh thì ở đâu cũng phải đóng thuế. Còn ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho rằng, các DN nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không phải đóng thuế, không chịu sự kiểm duyệt nội dung là không công bằng với DN trong nước... Về nội dung, dự thảo NĐ mới thay thế NĐ 97 về quản lý internet quy định: DN cung cấp dịch vụ thông tin công cộng xuyên biên giới sẽ không được cung cấp thông tin có nội dung vi phạm các điều cấm như lợi dụng việc cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích chống lại Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuyên truyền, kích động bạo lực, đồi trụy, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Các DN này phải có cam kết bằng văn bản sẵn sàng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để xử lý, loại bỏ thông tin vi phạm, bảo đảm người dùng tại Việt Nam không truy cập, sử dụng những thông tin này. Với các dịch vụ có số lượng người sử dụng lớn như Facebook, Google, Yahoo... phải có đại diện hợp pháp tại Việt Nam, đồng thời phải có thông tin về người có thẩm quyền tại Việt Nam như tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, email...

Rõ ràng, việc quản lý phù hợp theo pháp luật đối với các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam là vấn đề cấp thiết. Như vậy, vừa  bảo đảm công bằng cho DN trong nước, vừa tạo môi trường mạng trong sạch, ổn định và trật tự xã hội, tránh để internet bị lợi dụng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng tới cộng đồng.

Xuân Thành