Những vướng mắc không đáng có
Chính trị - Ngày đăng : 07:32, 28/04/2012
Quận Hai Bà Trưng đang chịu gánh nặng GPMB từ hàng loạt dự án như đường Vành đai I (Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái), đường Vành đai II, đường Thanh Nhàn, Công viên Tuổi trẻ, di dời các hộ dân khỏi khuôn viên trường học… Hầu hết các dự án đang bị đình trệ vì chậm GPMB. Một trong những nguyên nhân là quận chưa chủ động về quỹ nhà tái định cư. UBND quận vừa chính thức đề nghị TP xem xét giao quận quỹ nhà tái định cư của dự án để quản lý và chủ động trong việc hỗ trợ tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm bớt thủ tục hành chính trung gian…
Một đoạn đường Vành đai I được hoàn thiện đưa vào sử dụng đạt hiệu quả. Ảnh: Đàm Duy |
Đề nghị của quận Hai Bà Trưng không phải là mới. Đây là vấn đề đã được các quận, huyện "kêu" nhiều nhưng việc phân cấp quản lý nhà tái định cư không biết bao giờ mới có thể thực hiện được. Sở Xây dựng cho rằng, vấn đề không phải là không thể bàn giao trực tiếp cho các quận, huyện quản lý mà là đi kèm với việc bàn giao nhà phải có sự bảo đảm công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng. Trong khi đó, quận, huyện lại chưa đáp ứng được điều kiện này. Có thể nói, lý lẽ của cả quận, huyện và Sở Xây dựng đều có lý. Điều vô lý là khi đã biết rõ nguyên nhân như vậy, tại sao hai bên lại không sớm "ngồi lại với nhau" để cùng tháo gỡ.
Một ví dụ khác ở quận Hai Bà Trưng, mới đây, một doanh nghiệp đã phải tuyên bố rút lui khỏi dự án làm bãi đỗ xe ngầm tại hè phố Trần Nhân Tông. Nguyên nhân là doanh nghiệp không đưa ra giải pháp thuyết phục để bảo đảm an toàn đối với hàng cây cổ thụ trên hè phố này. Được biết, doanh nghiệp này đã tốn vài năm và không ít tiền của để nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Điều đáng tiếc ở đây là vai trò hướng dẫn của địa phương và sở, ngành chuyên môn ngay từ đầu đã không được thể hiện. Lẽ ra các điều kiện phải được bày ra hết đối với doanh nghiệp ngay khi bắt tay vào tìm hiểu đầu tư. Trong khi các sở, ngành chưa vào cuộc cùng doanh nghiệp, thì chính quyền địa phương hoàn toàn có thể chủ động thúc giục việc này. Những sự việc như trên dù vô tình hay hữu ý đã làm mất uy tín phần nào của TP đối với các nhà đầu tư.
Sở GTVT (đơn vị trực tiếp liên quan đến một số dự án đường giao thông đang bị đình trệ trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) cho rằng, trong GPMB khâu mấu chốt vẫn là giá cả đền bù và nhà tái định cư. Nếu giao cho quận làm GPMB thì nên giao luôn quyền chủ động về nhà tái định cư. Vì chỉ có nhà tái định cư trong tay làm cơ sở mới có thể thuyết phục được người dân bàn giao đất.
Còn nếu cứ để quận thuyết phục dân bằng lời thì sẽ rất khó khăn.
Sự việc tại quận Hai Bà Trưng cho thấy rằng, để nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa các sở, ngành với quận, huyện, trước hết, các cơ quan này phải thể hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Điều cần thiết là các cấp, các ngành cần tạo sức ép cho nhau để làm tốt hơn nhiệm vụ. Phối hợp công tác còn hạn chế vì theo đánh giá của lãnh đạo TP, còn có sự thiếu chủ động của một số sở, ngành trong việc vào cuộc cùng địa phương tháo gỡ khó khăn. Thậm chí có hiện tượng ôm việc, giữ quyền khiến công việc chung bị đình trệ. Trong khi đó, về phía các địa phương, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên TP. Có trường hợp, trước việc khó, phức tạp, lãnh đạo quận, huyện không quyết tâm thực hiện, để chậm tiến độ, khi bị thúc giục thì lấy lý do để "xin ý kiến TP" mặc dù thẩm quyền vẫn có trong tay.
Từ trước đến nay, hiếm khi có trường hợp các sở, ngành, quận, huyện bị phê bình, kiểm điểm vì phối hợp công tác kém hiệu quả khiến công việc đình trệ. Đó phải chăng cũng là điều cần thay đổi để tạo nên bước chuyển mới?