Thịt lợn sạch, vẫn còn xa quá!
Xã hội - Ngày đăng : 06:47, 28/04/2012
* Hằng ngày, người Hà Nội tiêu thụ 135 tấn thịt lợn, 28 tấn thịt trâu, bò không bảo đảm vệ sinh; 3.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát thú y
(HNM) - Hiện nay, tuy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, nhưng qua đợt kiểm tra mới đây của Bộ NN&PTNT tại các cơ sở giết mổ (CSGM) trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các lò mổ (LM) chưa bảo đảm vệ sinh thú y, thịt "bẩn" vẫn tràn lan trên thị trường. Vậy đâu là giải pháp để Hà Nội kiểm soát được ATVSTP từ các CSGM và người tiêu dùng Thủ đô được sử dụng thực phẩm sạch?
Thịt "bẩn", đâu cũng thấy
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, theo điều tra mới nhất của ngành nông nghiệp, hiện nay có đến 80% số người tiêu dùng chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không bảo đảm ATVSTP. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã làm cho người sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật; luôn có ý thức chống đối gây khó khăn trong công tác quản lý. Các LM mất vệ sinh hoạt động tràn lan nên thịt "bẩn" vẫn xuất hiện ở khắp các chợ lớn nhỏ. Thực tế Hà Nội mới chỉ có 20% lượng thực phẩm bảo đảm ATVSTP. Trong quý I-2012, lực lượng liên ngành của TP đã xử lý tiêu hủy 3.299kg gia cầm lông, 67kg thịt gia súc, 3kg lòng lợn kém chất lượng; 890kg da trâu, bò không rõ nguồn gốc, nhưng đây là con số quá nhỏ, chỉ như "muối bỏ bể".
Vì thói quen của người dân, các cơ sở giết mổ gia súc bảo đảm tốt ATVSTP lại hoạt động kém hiệu quả. Ảnh: Nguyên An |
Theo khảo sát của PV Hànộimới, một đoạn đường khoảng 4km từ Phùng Khoang (xã Trung Văn - Từ Liêm) đến Ba La (Hà Đông) cũng có tới 5-6 điểm bán thịt lợn dưới lòng, hè đường. Ở quanh khu vực chợ Vồ (Hà Đông) cứ tầm 12h trưa không ai hẹn ai, những tiểu thương buôn bán nhỏ ở các chợ trong nội thành Hà Nội lại mang thịt ế ra bày bán. Với giá rất rẻ, thịt lợn mông, nạc vai từ mức 50-60 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 40-50 nghìn đồng/kg giảm gần 50% so với giá thịt bán buổi sáng ở các chợ Hà Nội. Dưới cái nắng oi bức của đầu hè, những miếng thịt được đặt trên tấm ni lông càng trở nên mất vệ sinh. Nhưng do người tiêu dùng vẫn chấp nhận mua nên dù thịt có ế ở chợ sáng nhiều đến bao nhiêu thì ra đây vẫn bán được hết do giá rẻ!
Gỡ bằng cách nào?
Trong khi vấn đề ATVSTP đang trở nên bức thiết với người tiêu dùng, nhưng để kiểm soát được vấn đề này phải chính từ các lò mổ. Hiện tại hầu hết các lò mổ hiện đại đều sống dở chết dở, hoạt động không hết công suất. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Minh Hiền cho biết, toàn bộ dây chuyền GM hiện đại mà công ty đầu tư từ năm 2008 với số tiền hơn 70 tỷ đồng, công suất 600-1.000 con/ngày đang phải nằm đắp chiếu vì không có khách hàng. Mặc dù dây chuyền đã 4 năm hoàn thiện nhưng mới chỉ hoạt động được khoảng 3 tháng với 60 con/ngày, để xuất hàng cho các siêu thị và chưa đạt được 10% công suất thiết kế.
Trong khi các CSGM tập trung đìu hiu, vắng lặng, dây chuyền GM hiện đại không phát huy hết công suất thì các CSGM thủ công tại lò mổ Vinh Anh (Trung Văn - Từ Liêm) lại hết sức sôi động. Với khoảng 200m2 nhưng mỗi ngày trung bình cơ sở này GM từ 100-200 con. Tại cơ sở này ATVSTP vẫn chưa bảo đảm, tình trạng giết mổ dưới sàn, thân thịt vẫn để lẫn cả với lông, phân, nước thải, nên rất dễ bị nhiễm vi sinh. Đến nay TP mới chỉ quản lý được một phần các CSGM tập trung, còn các hộ nhỏ lẻ hầu như vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng...
Dây chuyền giết mổ lợn tại Công ty TNHH thực phẩm Minh Hiền (Thanh Oai) được đầu tư hơn 70 tỷ đồng nhưng mới sử dụng 10% công suất. Ảnh: Quỳnh Dung |
Ông Nguyễn Huy Đăng cho rằng, từ nhiều năm nay Hà Nội rất bức xúc về vấn đề GM nhưng chưa quy hoạch được. Hiện toàn TP chỉ có 3 điểm GM tập trung và 1 CSGM bán công nghiệp. Mặc dù mới chỉ có 3 điểm GM tập trung nhưng vẫn hoạt động trong cảnh đìu hiu, cầm cự. Còn lại hơn 3.700 CSGM nhỏ lẻ ở các huyện gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh thú y và ATVSTP hoạt động hết công suất. Để kiểm soát được vấn đề thịt "bẩn" tràn lan vào TP, các ngành chức năng của TP cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc kiểm tra và chấn chỉnh lại hoạt động của các LM thủ công mất vệ sinh, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn. Để làm được điều này, Hà Nội nên có cơ chế hỗ trợ hợp lý cho hoạt động GM, vì đầu tư cho một khu GM kinh phí lớn. Hỗ trợ kinh phí để họ mua xe chuyên dùng vận chuyển lợn sau khi GM đến các chợ. Các cơ quan chức năng cần xem xét nghiêm túc, kỹ lưỡng trước khi cấp phép GM thì sẽ không còn thịt "bẩn" ra thị trường…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá, các CSGM trên địa bàn Hà Nội chưa bảo đảm các điều kiện về ATVSTP, Hà Nội mới chỉ đưa các hộ GM nhỏ lẻ vào tập trung chứ chưa kiểm soát được. Tình trạng thịt lợn không được chở bằng xe chuyên dụng mà 90% bằng xe máy không được bảo quản vẫn phổ biến. Hà Nội cần giải quyết triệt để chấn chỉnh hoạt động của các LM thủ công để người tiêu dùng có thực phẩm sạch an toàn, tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y ở các chợ, nếu phát hiện thịt "bẩn" ngoài việc tịch thu phải xử phạt thật nặng. Tăng cường xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ, để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng thực phẩm sạch. Hà Nội cần linh hoạt trong cơ chế hỗ trợ các CSGM tập trung không những thế mà cần phải hỗ trợ trực tiếp cho người vào GM để hoạt động này đi vào nền nếp. Để người dân an tâm, bên cạnh việc thắt chặt quản lý chất lượng đàn lợn nuôi ở các địa phương, ngành thú y cũng cần có những nghiên cứu khoa học và thông báo rõ ràng đến người dân về tác hại thịt bẩn và cách chọn thịt an toàn.