Ukraine phủ bê tông 4 lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl
Xã hội - Ngày đăng : 11:14, 27/04/2012
Đồ họa về "lớp áo mới" bảo vệ Chernobyl. Ảnh: TTXVN |
Nhà chức trách Ukraine cam kết việc phủ bê tông kín khu vực lò phản ứng hạt nhân Chernobyl sẽ hoàn tất vào năm 2015. Khi đó, khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân này bắt đầu sẽ có một cuộc sống mới.
Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị nổ và đã gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử.
Sau thảm họa, người ta đã bao bọc lò phản ứng số 4 bằng một lớp bê tông nhằm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ ra môi trường xung quanh. Tổng cộng hơn 400.000 m3 bê tông và 7.300 tấn khung kim loại đã được sử dụng tạo thành lớp bảo vệ Chernobyl.
2 năm sau, vào ngày 22/12/1988, các nhà khoa học Liên Xô nhận định lớp bảo vệ này chỉ tồn tại được từ 20 - 30 năm trước khi nó cần sửa chữa lớn. Các báo cáo tiếp theo cho thấy lớp bảo vệ có thể đổ sập nếu xảy ra một trận động đất mạnh 6 độ richter. Người ta cũng ước tính rằng một trận động đất mạnh như vậy có thể sẽ xuất hiện tại khu vực Chernobyl sau mỗi 10 năm. Và nếu chuyện này xảy ra, một đám mây phóng xạ khổng lồ sẽ lại xuất hiện như đã từng xảy ra một lần trong thảm họa hồi năm 1986.
Để thay đổi tình hình, nhà chức trách Ukraine đã quyết định xây dựng một lớp bảo vệ mới bao bọc toàn bộ cả khu vực 4 lò phản ứng, trùm lên lớp cũ, sử dụng 20.000 tấn thép và sẽ mất 5 năm để xây dựng.
Lớp bảo vệ này có khả năng ngăn chặn phóng xạ thoát ra ngoài trong vòng 100 năm. Sau khi hoàn thành lớp áo mới cho Chernobyl, người ta sẽ bắt đầu phá bỏ lớp bảo vệ cũ từ bên trong và thu dọn hàng trăm tấn chất thải phóng xạ độc hại đưa tới nơi lưu trữ an toàn, qua đó có thể vĩnh viễn khép lại thảm họa hạt nhân Chernobyl.