Beeline rút khỏi thị trường VN: “Cái chết” đã được dự báo
Xe++ - Ngày đăng : 07:20, 27/04/2012
Tháng 7-2009, Gtel chính thức khai trương mạng di động thứ 7 trên thị trường với thương hiệu Beeline, tuy vậy trước đó cả nửa năm DN này đã thực hiện chiến dịch truyền thông rộng rãi để người tiêu dùng nhận diện thương hiệu. Và đến hôm nay, có thể nói việc truyền thông nhận diện thương hiệu của Beeline với gói cước Big Zero thực sự đạt hiệu quả. Một tháng sau khi khai trương, Beeline Việt Nam tuyên bố đạt 1 triệu thuê bao. Nhà mạng này cũng đẩy mạnh quảng bá tiếp thị với các điểm bán hàng lưu động có mặt ở khắp nơi, từ ngoài phố, cổng trường học, đến các chợ... trên địa bàn Hà Nội.
Tuy nhiên, những khó khăn về vốn khiến nhà mạng này hoạt động cầm chừng một thời gian cho tới giữa năm 2011, sau khi VimpelCom nâng tỷ lệ sở hữu, rót thêm vốn. Ngay sau đó, Beeline tiếp tục đưa ra các gói cước gây sốc với "Tỷ phú 1", "Tỷ phú 2" và cùng với đó là chương trình truyền thông về việc Beeline toàn cầu tài trợ CLB Manchester United nhằm thu hút fan bóng đá dùng sim Beeline... kết quả có thời điểm đạt 3 triệu thuê bao. Nhưng con số này lại không đem lại ý nghĩa với đối tác liên doanh khi mà doanh thu bình quân trên thuê bao/tháng (ARPU) của Beeline tại Việt Nam trong quý IV-2011 là 0,9 USD và là thị trường có chỉ số ARPU thấp nhất trong số các nước mà hãng viễn thông này rót tiền đầu tư, dẫn đến bị thua lỗ với số tiền hàng trăm triệu USD. Đại diện Gtel cũng cho biết, thực tế từ cuối năm 2012, hai bên đã thương thảo bán cổ phần mà VimpelCom sở hữu...
Trở lại câu chuyện về chỉ số ARPU ở Việt Nam ngày càng thấp không phải là câu chuyện mới, mà nó đã được cơ quan quản lý cảnh báo từ năm 2008 khi mà các nhà mạng liên tiếp chạy đua khuyến mãi hút thuê bao. Trong khi đó, với một thị trường di động như ở Việt Nam với dân số gần 90 triệu người mà có tới 6 nhà khai thác (cộng với 2 nhà mạng ảo chưa hoạt động) là quá nhiều. Trong đó, 3 nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, Vinaphone đã chiếm tới hơn 95% thị phần và khi thị trường bão hòa, sẽ rất khó khăn cho DN nhỏ, DN mới hoạt động. Thêm vào đó, chất lượng cuộc gọi của Beeline tại các thành phố lớn cũng không được tốt, cuộc gọi hay bị rớt sóng, cho thấy nhà mạng này chưa có hạ tầng mạnh và khi chất lượng kém thì không thể nói đến cạnh tranh... Do vậy, việc VimpelCom rút khỏi thị trường cũng là điều dễ hiểu vì họ không muốn bị thua lỗ thêm.
Vậy khách hàng đang dùng Beeline liệu có bị ảnh hưởng sau khi Beeline ngừng hoạt động? Trao đổi với đại diện các đơn vị thông tin truyền thông, lãnh đạo Gtel cho biết, sự kiện này chỉ là sự thay đổi thành phần chủ sở hữu, không ảnh hưởng đến sự tiếp tục hoạt động và phát triển của công ty cũng như quyền lợi của khách hàng và các đối tác. Đồng thời, khẳng định công ty luôn bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và đem tới những sản phẩm, dịch vụ độc đáo với nhiều lợi ích nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.