Còn nhiều vấn đề

Xe++ - Ngày đăng : 07:18, 27/04/2012

(HNM) - Để hoàn thiện dự thảo nghị định (NĐ) về dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã lần lượt tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các hiệp hội trong ngành. Đây cũng là dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng DN CNTT.


Dự thảo nghị định về dịch vụ CNTT vẫn còn nhiều bất cập.Ảnh: Nguyên An

Nói như vậy bởi cuộc tọa đàm mới đây do Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT phối hợp tổ chức đã thu hút nhiều lãnh đạo DN trong cộng đồng CNTT tham dự, phát biểu thẳng thắn và đặc biệt hầu hết đều chuẩn bị tham luận bằng văn bản, khác với các cuộc tọa đàm, họp, lấy ý kiến từng được tổ chức trước đó. Điều đó cho thấy, nội dung NĐ này có nhiều điều sát thực tế, hay nói một cách khác dù NĐ đang ở giai đoạn dự thảo, nhưng có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của DN.

NĐ này có 6 chương (30 điều), gồm những quy định chung; danh mục dịch vụ CNTT; cơ chế ưu đãi và chính sách phát triển dịch vụ CNTT; quản lý cung cấp dịch vụ CNTT; cung cấp và sử dụng dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước; điều khoản thi hành. Từ những góp ý của đại diện các hiệp hội, DN cho thấy, chương IV về quản lý cung cấp dịch vụ CNTT đặt quá cao vai trò quản lý của Bộ trong việc cấp phép kinh doanh, chẳng hạn để được kinh doanh một dịch vụ nào đó, DN phải xin nhiều loại giấy phép từ Bộ TT-TT; không chỉ có vậy, DN còn phải nộp nhiều loại giấy tờ, chứng chỉ, báo cáo... Thực tế thì việc các DN phản ứng lại các quy định này không phải không có lý vì, các DN hoạt động kinh doanh phải chấp hành theo quy định chung, nay lại thêm các quy định riêng của Bộ có thể sẽ gây thêm phiền hà cho DN. Vì trong khi Nhà nước đang kêu gọi cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN, nếu dự thảo vẫn giữ các quy định mất thời gian như vậy sẽ gây thiệt hại kinh tế, làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Ở đây, có thể hiểu được ý chí chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước là muốn quản hoạt động của dịch vụ CNTT, nhưng cũng nên cân nhắc, thường thì Nhà nước chỉ quản lý các dịch vụ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, NĐ có một điểm đáng lưu ý tại điều 11, chương III, đó là nêu một số quy định yêu cầu DN cung cấp dịch vụ viễn thông phải minh bạch bảng tỷ lệ phân chia doanh thu hợp tác theo hướng ưu tiên cho các DN cung cấp nội dung để hỗ trợ phát triển sản phẩm nội dung số; đồng thời nêu vai trò của Bộ trong hướng dẫn quy định cụ thể về mức ăn chia giữa nhà mạng và DN nội dung. Tất nhiên, quy định này được các DN kinh doanh nội dung hưởng ứng nhiệt liệt. Và dù chưa có ý kiến của các nhà mạng, song theo đánh giá, Nhà nước, cụ thể là Bộ TT-TT không cần thiết phải tham gia vào việc đưa ra quy định về tỷ lệ ăn chia doanh thu giữa DN cung cấp dịch vụ di động và DN nội dung, vì đó đơn giản là quan hệ kinh doanh và họ tự thỏa thuận với nhau. Điều này không phải không có lý.

Dự thảo NĐ về dịch vụ CNTT vẫn trong giai đoạn tiếp tục lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện, điều đó cho thấy sự cầu thị của cơ quan soạn thảo trước một vấn đề, lĩnh vực vốn được đánh giá là khó như CNTT. Thông thường, người ta sẽ ủng hộ những quy định có lợi và đương nhiên sẽ phản đối những quy định có thể không tốt cho mình. Tuy nhiên, quyết định thế nào lại ở cơ quan quản lý nhà nước (đơn vị soạn thảo) và cuối cùng là Chính phủ.

Việt Nga