Lao đao vì thiếu việc làm
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 27/04/2012
Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất trong những ngày vào cuối tháng 4, khác xa với cảnh tấp nập giao dịch, bán buôn, tiếng máy cưa, máy xẻ rào rào với hàng nghìn lao động khắp các xã lân cận đổ về đây làm thuê. Đi sâu vào trong làng, phải lắng tai mới nghe thấy đâu đó tiếng đục đẽo… Sự yên ắng này mang đến cho người dân nỗi buồn thất nghiệp. Anh Nguyễn Văn Thắng, 27 tuổi, chủ xưởng sản xuất mộc xóm Chằm cho biết: Hơn 10 năm trong nghề, chưa bao giờ thấy sản xuất khó khăn như hiện nay. Nếu như cuối năm ngoái, xưởng tôi sản xuất 500-600 triệu tiền hàng/tháng, thì giờ chỉ còn 100 triệu đồng. Không có đơn hàng, từ 11 thợ đã phải cắt giảm chỉ còn 7 thợ, cơ sở phải tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Nghề mộc ở Chàng Sơn (Thạch Thất). Ảnh: Nguyễn Mai
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn Chu Thế Huấn, ruộng ít nên nghề mộc là nghề chính nuôi sống các gia đình ở đây. Cách đây một vài năm, nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc, mở rộng mặt bằng sản xuất, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm; những người LĐ làm thuê cũng đạt 100-200 nghìn đồng/ngày, nhưng nay thu nhập giảm chỉ bằng một nửa. Tình trạng trên diễn ra tương tự ở các làng có nghề mộc truyền thống, như Dị Nậu (Thạch Thất); Phú Túc (Phú Xuyên); các LN mây giang đan: Phú Nghĩa, Trường Yên (Chương Mỹ)…
Sản xuất tại LN giảm sút không chỉ công ty, doanh nghiệp lao đao, người làm thuê thu nhập bấp bênh, cuộc sống khó khăn gấp bội. Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân trong xã Chàng Sơn cho biết, gia đình ông có 4 người, trước đây, thu nhập từ làm nghề của hai người con gánh vác tiêu pha cho cả gia đình, nhưng từ Tết đến nay, ít việc, lương chỉ còn 1,5 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, giá cả ngày càng đắt đỏ nên sinh hoạt gia đình rất khó khăn. Chưa kể, xã Chàng Sơn mấy năm nay lại không có nước, mỗi tháng gia đình phải mua nước sinh hoạt hết 700 nghìn đồng. Theo các hộ sản xuất, nguyên nhân của tình trạng trên do sản phẩm của LN không tìm được đầu ra. Trước đây, hàng của Chàng Sơn được xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc nhưng bây giờ chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội với sức mua giảm dần. Nhiều người đã bị mất việc làm.
Đã có nhiều cuộc họp, nhiều giải pháp được cơ quan chức năng, chuyên gia nghiên cứu đưa lên bàn nghị sự nhưng chỉ vậy chưa đủ để làm hồi sinh các LN. Chính quyền xã chỉ có thể tạo điều kiện cơ sở pháp lý, mặt bằng sản xuất cho các hộ, còn không thể làm gì hơn. Tại huyện Chương Mỹ, nơi có nhiều LN nhất Hà Nội: 175/215 làng có nghề, hằng năm tạo việc làm cho hơn 20 nghìn lao động, nhưng không khí cũng rất ảm đạm. "Hiện hầu hết các DN đều không có, hoặc có ít đơn hàng tiêu thụ, không vay được vốn ngân hàng. Trong quý I-2012, giá trị CN-TTCN đã giảm sút so với cùng kỳ khoảng từ 3 đến 7%. LĐ thiếu việc làm tương đối nhiều, ngày công thu nhập của người lao động bị giảm sút" - ông Đào Đức Hà, Phó phòng Kinh tế huyện cho biết. Để cứu LN, huyện đã vận động các hộ sản xuất đoàn kết, hợp tác tương trợ, giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn. Quảng bá giới thiệu sản phẩm, đa dạng mẫu mã, kết hợp các nguồn nguyên liệu có giá mua rẻ để hạn chế giá thành đầu vào, tăng lợi nhuận cho DN và tiền công cho người LĐ nhưng LN vẫn đang đi xuống.
Trước thực trạng lay lắt của các LN và LĐ thiếu việc làm như hiện nay, các cơ quan chức năng TP cần sớm có nghiên cứu, đưa ra những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi yên tâm với cuộc sống, giữ gìn những giá trị truyền thống nhằm phát triển làng nghề trong tương lai.
Phó phòng Quản lý TTCN và LN (Sở Công thương Hà Nội) Nguyễn Phương Thảo: Để hỗ trợ các LN, ngoài các chính sách của trung ương, TP Hà Nội cũng đã ban hành các quyết định như "Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề và LN Hà Nội" năm 2008; Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2009… Ngoài nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, hằng năm Hà Nội cũng trích kinh phí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ các chương trình khuyến công: truyền nghề, nhân cấy nghề, hỗ trợ xây dựng các chương trình trình diễn KHKT tại các LN… Tuy nhiên, hiệu quả thu được vẫn còn rất khiêm tốn. |