Oan cho xăng, dầu?

Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 27/04/2012

(HNM) - Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng, dầu là Petrolimex khẳng định quy trình quản lý chất lượng mặt hàng này chặt chẽ nhất so với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường.


PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng (Giám đốc Trung tâm Tư vấn, giám định dân sự thuộc Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) cho rằng, có 3 cách để làm giảm chất lượng xăng, dầu hay còn gọi là xăng, dầu "rởm". Đó là, pha nước lã vào xăng, dầu làm cho xe hay bị chết máy hoặc không đi được hay cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự làm xe vẫn chạy được nhưng không "bốc", hiệu suất kém, gây ra tình trạng máy nóng, thải nhiều khói đen... "Một thủ đoạn làm xăng "rởm" khác để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng khi đo chỉ số RON là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat để nâng chỉ số octan. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến sự phát tán hơi của nhiên liệu và hiệu suất chuyển động của xe" - PGS-TS Hoàng Mạnh Hùng khẳng định.


Chưa có căn cứ rõ ràng khi cho rằng xăng, dầu là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy.

Theo TS Đinh Ngọc Ân, Trưởng khoa Cơ khí động lực (ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), chất lượng xăng cũng có vấn đề nhưng chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây tình trạng cháy ô tô, xe máy thời gian gần đây. Có thể kể đến một số nguyên nhân khác là tình trạng người vận hành phương tiện không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng động cơ; xe được đấu nối thêm thiết bị một cách thiếu hiểu biết; thợ sửa xe làm ẩu và sai quy trình... Ngoài ra, còn có lý do các vật dễ cháy có thể là giẻ, rác do chuột tha vào cổ xả của động cơ (nhất là đối với xe ga) nên khi xe chạy, bộ phận này nóng đỏ và bén lửa gây cháy...

Trong khi đó, PGS-TS Lê Văn Hiếu, Viện Kỹ thuật Hóa học (ĐH Bách khoa Hà Nội) đưa ra thông tin, xăng, dầu là loại nhiên liệu dễ bay hơi, độ giãn nở phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết nên không ít quốc gia đã ban hành tiêu chuẩn chất lượng cho xăng, dầu lưu thông trên thị trường theo hai mùa: mùa nóng, mùa lạnh. Tuy nhiên, sau khi bàn thảo thì Việt Nam thấy chưa cần thiết ban hành quy định trên.

Vẫn còn hồ nghi

Ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng, dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định, chưa có loại hàng hóa nào lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ như xăng, dầu. Quy trình kiểm tra từ khi nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển tới đại lý đều có phân định trách nhiệm rõ ràng và có đơn vị giám định độc lập về chất lượng trước khi đưa hàng vào lưu thông. Vấn đề có hàm lượng nước trong xăng như công bố gần đây chưa đến mức nghiêm trọng vì trong quá trình tinh chế luôn có một hàm lượng nước nhất định. Thêm nữa, nước không tan trong xăng nên pha khoảng vài trăm minilit nước vào một mét khối xăng thì lợi nhuận đem lại có đáng để "gian lận". "Vấn đề là chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm quá thấp nên người ta "nhờn". Cả nước có 13 đầu mối nhập khẩu xăng, dầu nhưng chỉ có 3 đơn vị có tiềm lực về hạ tầng kỹ thuật. Đại lý bán lẻ xăng, dầu vi phạm bị cắt hợp đồng thì lập tức có đơn vị khác nhảy vào cung ứng mà không có sự liên kết giữa các nhà cung cấp. Ngoài ra, trong 13.000 cây xăng trên cả nước đang hoạt động thì chỉ có khoảng 3.000 cây là do các đơn vị của Nhà nước quản lý. Chưa có một cơ quan nào khẳng định việc cháy ô tô, xe máy do chất lượng xăng kém và chúng ta không tin các cơ quan kiểm định thì tin vào ai" - ông Nguyễn Quang Kiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học vẫn thắc mắc, xăng kiểm nghiệm có trị số octan thấp, vậy thì những chất còn lại là chất gì ? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Kiên cho rằng, nước ta đã có quy định khi kiểm tra chất lượng xăng căn cứ vào 15 chỉ số (tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6776:2005) nên các doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải công bố đó là gì.

Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng) cho biết, trong năm 2011 và đầu năm 2012, các lô hàng xăng, dầu nhập khẩu đều được kiểm định chặt chẽ về chất lượng và chỉ phát hiện một lô dầu DO không đạt tiêu chuẩn quốc gia nên đã yêu cầu cơ quan nhập khẩu tái xuất. Hiện có 3 nhóm nghiên cứu độc lập của ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về lọc hóa dầu đang tham gia vào quá trình nghiên cứu hiện tượng cháy nổ ô tô, xe máy và đến nay chưa có kết luận nào nói do xăng, dầu gây ra. "Tốt nhất là người dân không nên mua xăng, dầu ở các điểm bán lẻ ven đường cũng như sử dụng các viên tiết kiệm xăng đang được chào bán trên các website" - ông Trần Quốc Tuấn khuyến cáo.

Rõ ràng, đến thời điểm này, việc cho rằng cháy nổ ô tô, xe máy có nguyên nhân do chất lượng xăng, dầu là chưa có căn cứ. Và không có cách nào khác để tự bảo vệ mình hơn là người sử dụng phương tiện cơ giới cần tuân thủ chặt chẽ các quy trình bảo hành, bảo dưỡng của nhà sản xuất. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh hiện tượng cháy nổ đe dọa tài sản và tính mạng.

Văn Giang