Hướng đến lợi ích người dân

Giáo dục - Ngày đăng : 07:06, 26/04/2012

(HNM) - Xác định rõ hơn những mục tiêu trọng tâm, cốt lõi trong từng giai đoạn để tập trung nguồn lực; ưu tiên phát triển GD-ĐT và KHCN nhưng không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách; quan tâm các vấn đề an sinh xã hội; coi trọng cuộc sống tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân…


Phát triển văn hóa - xã hội là nền tảng

Kết quả kiểm tra của các đoàn giám sát của Thành ủy trong tuần qua cho thấy các sở, ngành, quận, huyện đã thành lập ban chỉ đạo chương trình, tổ chức học tập, quán triệt nội dung chương trình và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi tầng lớp nhân dân. Căn cứ vào ba nội dung cơ bản của chương trình, kết hợp với những dự án, đề án đang triển khai, các đơn vị đã xây dựng thành chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền, nêu rõ mục tiêu, giải pháp, lộ trình và phân công trách nhiệm cụ thể.

Giờ học vẽ tại Trường Mầm non Hoa Sữa (quận Long Biên). Ảnh: Phương An


Bám sát vào định hướng, với mục tiêu xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tùy theo điều kiện thực tế, mỗi nơi lại có cách làm riêng. Đơn cử như Long Biên, với nhiều ưu thế của một quận mới ở ven nội, ngay sau khi thành lập, quận đã xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ nhu cầu của nhân dân, từ nhà văn hóa, trung tâm y tế, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa - thể thao… Quận Long Biên, huyện Thạch Thất cùng có đề án nâng cao hệ thống phát thanh, truyền hình nhằm đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước gần hơn với cuộc sống. Đây còn là giải pháp tuyên truyền hữu hiệu của chính quyền địa phương nhằm nâng cao kiến thức cho nhân dân, tạo lập ý thức tự giác tuân theo các quy định, chính sách chung.

Chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá

Ở bất kỳ đơn vị nào, yếu tố nguồn nhân lực cũng được đánh giá có vai trò, ý nghĩa quyết định đến việc triển khai nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của các quận, huyện, sở, ngành trong việc triển khai Chương trình 04 từ nay tới năm 2015. Sở GD-ĐT được đánh giá thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả hai phía: người thầy và người học. Hơn 800 tỷ đồng đã được phê duyệt để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từ nay tới năm 2015. Với mục tiêu để HS được học và học được, ngành GD-ĐT đã triển khai và thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống GD-ĐT, mạng lưới trường học với kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng. Việc đổi mới phương thức dạy, học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục một cách thực chất được ngành GD-ĐT xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút người tài vẫn là bài toán khó với nhiều lĩnh vực. Nhiều trường mầm non không tuyển đủ giáo viên bởi ít người mặn mà với nghề nuôi dạy trẻ vất vả, lương thấp; chế độ đãi ngộ với đội ngũ tri thức, chuyên gia nước ngoài làm việc, nghiên cứu về KHCN còn thấp; chưa có cơ chế đặc thù để thu hút, động viên những nhà khoa học giỏi đã nghỉ hưu tiếp tục cống hiến… Trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế dù đạt chỉ tiêu đề ra, song chất lượng đội ngũ cán bộ y tế chưa cao, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên khó giữ chân người giỏi. Điển hình như Thạch Thất, đến nay mới chỉ có 3,5 bác sĩ/vạn dân (mục tiêu 12,5 bác sĩ/vạn dân). Hầu hết bác sĩ ở huyện Thạch Thất đều là những người được đào tạo từ trung cấp lên, hiếm có bác sĩ trẻ gắn bó lâu dài.

Phấn đấu trở thành công dân tiêu biểu

Thông qua nhiều phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương đã khích lệ người dân phấn đấu thực hiện các tiêu chí "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh", những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa; tạo chuyển biến căn bản trong văn hóa giao thông, văn hóa công sở, cách giao tiếp nơi công cộng… Đích đến cuối cùng, theo mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU, là để mỗi công dân Thủ đô sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu.

Kết quả giám sát tại nhiều quận, huyện cho thấy, sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp khi cụ thể hóa nội dung này thành những chương trình riêng. Quận Long Biên chọn năm 2012 để "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hóa"; ngành GD-ĐT xây dựng quy chế phối hợp liên ngành với lực lượng công an nhằm tạo lập cho HS ý thức nghiêm túc chấp hành luật giao thông; huyện Thạch Thất tập trung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Chuyển biến đầu tiên của việc quán triệt các nội dung của Chương trình 04-CTr/TU tại cơ sở là đã bớt đi nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp trong cuộc sống sinh hoạt của người dân. Chỉ riêng như chuyện mừng thọ, nếu như trước kia, nhiều gia đình tổ chức lễ mừng ông, bà, bố, mẹ từ độ tuổi 60, thậm chí từ 50 tuổi, thì nay chỉ dành cho những người từ sau 70 tuổi.

Với việc hoàn thành biên soạn và dạy đại trà bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho HS từ cấp tiểu học, THCS đến THPT, ngành GD-ĐT được ghi nhận đã góp sức thiết thực và ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc người Hà Nội với những nét đặc thù về văn hóa, lịch sử… Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa - xã hội với những tác động đa chiều từ nền kinh tế thị trường đang đặt ra cho ngành GD-ĐT nói riêng và toàn xã hội nói chung yêu cầu phải bổ sung vào hành trang thế hệ trẻ nhiều thứ hơn nữa ngoài việc học chữ. Đó là trang bị cho các em kiến thức về xã hội, rèn kỹ năng sống, cách xử trí trước những tình huống có vấn đề, ứng phó với những áp lực của cuộc sống…

Thống Nhất