Cận kề cuộc chiến tổng lực
Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 26/04/2012
Ngay sau đó, ngày 20-4, quân đội Sudan đã tiến vào khu vực Heglig, bị quân Nam Sudan chiếm giữ (từ ngày 10-4); đồng thời tiến hành một cuộc truy quét trên diện rộng và gần như đã giải phóng hoàn toàn khu vực này. Tuy nhiên, bất chấp việc quân đội Nam Sudan đã hoàn toàn triệt thoái khỏi khu vực mỏ dầu Heglig, ngày 24-4, máy bay của quân đội Sudan tiếp tục giội bom xuống khu vực biên giới với Nam Sudan làm nhiều thường dân thiệt mạng và bị thương. Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đang ở thăm Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phản ứng mạnh về hành động này của Khartoum...
Nguồn lợi từ dầu mỏ khiến quan hệ Sudan và Nam Sudan ngày một căng thẳng. |
Thế giới đã có những phản ứng mạnh mẽ, kêu gọi hai bên kiềm chế. Ngày 24-4, Liên minh Châu Phi (AU) tuyên bố ấn định trong vòng 3 tháng Sudan và Nam Sudan phải đạt được một thỏa thuận hòa bình, nếu không sẽ phải đối mặt với "những biện pháp thích đáng". Ủy ban an ninh của AU hối thúc hai bên giải quyết tranh cãi với các vấn đề về dầu mỏ và công dân; chấm dứt giao tranh và thỏa thuận phân định biên giới. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã mạnh mẽ lên án các vụ không kích của Sudan và kêu gọi Khartoum "ngừng ngay lập tức các hành động thù địch", hai bên phải nối lại đối thoại trong thời gian sớm nhất. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, các cuộc không kích của Sudan là hành động "khiêu khích và không thể chấp nhận được". Bà H. Clinton kêu gọi hai bên nhanh chóng nối lại đối thoại, nhất là khi Nam Sudan đã rút khỏi Heglig...
Thực tế, cuộc đụng độ nổ ra giữa hai quốc gia cùng tên không chỉ do khu vực Heglig có trữ lượng dầu lớn mà là từ nguồn lợi dầu mỏ nói chung giữa hai nước Sudan và Nam Sudan. Từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7-2011 đến nay, hai nước vẫn thường xuyên bất đồng về vấn đề này. Theo tính toán, trữ lượng dầu mỏ của Sudan ước tính khoảng 6,7 tỷ thùng/năm (lớn thứ 3 Châu Phi), trong đó nguồn lợi dầu mỏ chiếm tới 68% tổng thu ngân sách của miền Bắc (Sudan) và 98% của miền Nam (Nam Sudan). Tuy miền Nam có nhiều dầu mỏ lớn nhưng miền Bắc lại kiểm soát đường ống dẫn dầu độc nhất cho phép chuyển dầu thô xuất khẩu đi các nước qua biển Đỏ. Theo hiệp định hòa bình chấm dứt nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc (ký năm 2005), nguồn lợi dầu mỏ được chia với tỷ lệ 50-50. Nhưng, kể từ khi tách ra độc lập, các quan chức miền Nam muốn thay cách phân chia này bằng trả phí trung chuyển cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng ở miền Bắc. Và, để thoát khỏi sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng ở miền Bắc, miền Nam đã xem xét xây dựng một đường ống xuất khẩu dầu thay thế tới thành phố biển Mombasa của Kenya. Trước nguy cơ mất hàng tỷ đô la (USD) mỗi năm từ nguồn thu dầu mỏ khiến Sudan - vốn phụ thuộc các mỏ dầu ở miền Nam - không dễ dàng chấp nhận. Bởi vậy, xung đột vừa qua ở khu vực dầu mỏ chiến lược Heglig chỉ là "giọt nước tràn ly" của những mâu thuẫn chất chồng. Do đó, mặc dù, tuyên bố rút quân khỏi Heglig nhưng Tổng thống Salva Kiir vẫn nêu rõ như vậy không có nghĩa nước này từ bỏ chủ quyền với khu vực Heglig và đề nghị chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp cần được đưa ra trọng tài quốc tế phân xử.
Bạo lực leo thang trong 10 ngày qua ở khu vực Heglig đã khiến hơn 5.000 người dân phải sơ tán, hàng trăm binh sĩ của hai bên thiệt mạng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, con số thương vong sẽ không dừng lại nếu như hai quốc gia từng một thời thống nhất này chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết bất đồng. Nếu xung đột tiếp tục lan rộng, chẳng những Sudan và Nam Sudan không thu được gì từ nguồn lợi từ dầu mỏ mà còn khiến tình hình rơi vào bế tắc, đẩy nền kinh tế của hai nước tụt dốc. Đây hẳn là viễn cảnh mà người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế không mong muốn.