Nhật Bản nhìn từ lòng đất: Bài 2: Cuộc mua bán kỳ lạ

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 26/04/2012

(HNM) - Đó là cuộc mua bán liên quan đến ga Tokyo - "nơi lịch sử và tương lai gặp nhau, Nhật Bản và thế giới trò chuyện" - như cách mà người dân xứ Hoa Anh đào khẳng định giá trị của nhà ga có lịch sử trên 100 năm này. Để chuẩn bị cho cuộc mua bán, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật đặc biệt. Đây là minh chứng cho sự thông minh trong việc khai thác giá trị vô hình của bất động sản. Một khái niệm mới đã ra đời.


Từng phải trả giá đắt

Trước khi đến ga Tokyo, chúng tôi đã có cuộc tham quan Trung tâm đào tạo của Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR-East) bằng tàu cao tốc Shinkansen.  

Toàn cảnh ga Tokyo về đêm. Ảnh: Hiền Lương


Vì không phải khách thường xuyên, chúng tôi đi vé in. Tấm vé nhỏ xíu nhưng ghi chú rất chi tiết về giờ đợi tàu, cửa ra, vị trí đợi... Nếu so với thu nhập của người Việt mình, giá vé tàu cao tốc khá đắt. Một chuyến tàu thường có hai toa cao cấp được gọi là Green Car và GranClass Car, còn lại là các toa thường. Ga chúng tôi đến là Shinshirakawa, cách Tokyo khoảng 200km, khoang Green Car có giá vé 7.800 yên (tương đương 1,95 triệu đồng). Theo anh Nguyễn Thế Quang, người bạn đồng hành với tôi đã giới thiệu ở bài trước, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Truyền thông điện tử Tokyo (UEC Tokyo), giá vé này đối với người Nhật Bản cũng là khá cao. Nhưng tàu cao tốc vẫn được đông đảo người dân nước này lựa chọn vì sự tiện nghi, êm ái, an toàn.

Chuyến tàu chúng tôi lên thuộc thế hệ cũ, có thể cảm nhận được ngay từ nước sơn. Nhưng điều quan trọng nhất cho thấy tàu thế hệ cũ là tốc độ không cao, thường là dưới 300km/h. Điều đặc biệt đối với chúng tôi là sẽ được tham quan buồng lái của con tàu này. Khi chuyến tàu gần đến ga Ueno, một nhân viên của Công ty JR-East nói: "Các bạn có 10 phút". Buồng lái Shinkansen khá chật, có hai ghế ngồi (một lái chính, một lái phụ) và một hệ thống điều khiển khá phức tạp. Tôi, Quang và hai nhân viên của JR-East phải chen nhau đứng phía sau ghế lái. Lái tàu là một thanh niên trẻ tên Nedu. Quang chỉ bảng điều khiển, nói: "Tàu đang chạy ở vận tốc 275km/h".

Đang phân vân nhìn quanh khoang lái thì tôi giật mình vì Nedu hô lên mấy câu gì đó. Khi đẩy cần lái tôi thấy Nedu hơi nhíu mày, một lúc sau khi tàu đạt tốc độ ổn định, anh này ghi nhanh một điều gì đó vào cuốn sổ nhỏ. "Đó là sổ nhật ký hành trình. Nedu đã khởi động chậm 5 giây, nên phải ghi vào để báo cáo" - Quang phiên dịch lời nhân viên của JR-East.

Từ ga Shinshirakawa, chúng tôi phải đi taxi đến Trung tâm đào tạo của JR-East. Vì đây là vùng ngoại ô nên giá cả cũng "mềm" hơn, mỗi kilômét vị chi là 500 yên (tương đương 125 ngàn đồng), rẻ hơn ở trung tâm Tokyo khoảng 250 yên/km. Cũng giống như ở Tokyo, xe taxi hầu hết cùng một loại là xe Crown 3.0 đời cũ của Toyota. Tôi nhờ Quang hỏi, giá xăng hiện nay ở Nhật Bản là bao nhiêu. Câu trả lời khá bất ngờ: "150 yên/lít" (khoảng 37.000 đồng). Sở dĩ xăng ở Nhật Bản đắt như vậy vì hầu hết các loại thuế đều tính kèm vào giá xăng. Nhiều người dân của quốc đảo này vẫn đánh giá rất cao đảng cầm quyền trước đây vì đã đánh thuế xăng dầu đến 40% để lấy tiền phát triển hạ tầng, xây dựng cho đất nước một hệ thống hạ tầng giao thông cực kỳ thuận tiện.

Tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet từng ca ngợi tàu cao tốc Nhật Bản là: "vận tốc siêu nhanh của tàu Shinkansen đi kèm với độ an toàn gần như tuyệt đối. Trong hơn 30 năm tàu cao tốc vận hành tại Nhật Bản, hầu như chưa hề có một rủi ro đáng kể nào xảy ra". Nhưng qua phòng giáo dục đặc biệt của trung tâm, mới thấy rằng, Nhật Bản đã phải trả giá không rẻ trong quá khứ để có được điều đó. Nhưng cách nhận thức về sai lầm để biến thành hành động như ngành đường sắt đất nước Hoa Anh đào quả là rất đáng trân trọng. Trong đó, có vai trò mấu chốt của những trung tâm đào tạo như của JR-East. Tôi còn nhớ khi nói chuyện với anh Phạm Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội được biết rằng, để phát triển đường sắt đô thị, ít nhất mỗi kilômét cần có 5 biên chế. Nhưng ở nước ta chưa có một trung tâm đào tạo chuyên ngành đường sắt đúng nghĩa nào. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Món hàng đặc biệt

Từ Shinshirakawa trở về ga Tokyo, chúng tôi lên chuyến Shinkansen thế hệ mới nhất có ký hiệu là E5. Con tàu màu xanh với đầu thuôn dài sáng loáng như thể mũi thanh Katana (kiếm). Tàu thế hệ mới đạt tốc độ lên tới 320km/h, nên chỉ mất chưa đầy một giờ chúng tôi đã có mặt ở ga Tokyo.

Ga Tokyo nằm trong quận kinh doanh Marunouchi, gần Cung điện Hoàng gia và quận thương mại Ginza. Đây là ga bận rộn nhất ở Nhật Bản về lượt tàu vào ra hằng ngày (trên 3.000 chuyến) và chỉ kém ga Shinjuku (ga ở gần tòa thị chính Tokyo) về lượt hành khách. Đây còn là điểm khởi đầu và ga cuối cho hầu hết các tuyến tàu Shinkansen. Người dân Nhật Bản coi ga Tokyo như là chiếc cổng lớn mở ra giao lưu với thế giới. Tầm quan trọng của ga này còn được thể hiện trong bản giới thiệu về dự án cải tạo của chính quyền thành phố có viết: "Đây là nơi lịch sử và tương lai gặp nhau, Nhật Bản và thế giới trò chuyện".

Ngày 25-3-1908, ga Tokyo được khởi công. Tác giả của công trình cao 3 tầng này là kiến trúc sư Kingo Tatsuno (1845-1919), người giữ vai trò chủ chốt trong kiến trúc thời kỳ Minh trị Thiên hoàng (Meiji).

Tập đoàn Tokyo Metro, đơn vị quản lý ga Tokyo, chịu trách nhiệm thực hiện dự án quan trọng này. Thế nhưng, công việc khôi phục tòa nhà dài khoảng 335 mét đòi hỏi khoản kinh phí rất lớn. Giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác, Tokyo Metro phải tính toán để có nguồn lực tài chính mà không xâm phạm vào tài sản tích lũy. Ông Naoto Kimura, Trưởng phòng quốc tế của Tokyo Metro cho biết: "Theo Luật Quy hoạch, khu đất nhà ga được phép xây dựng cao 9 tầng, nhưng nhà ga chỉ cần cao 3 tầng. Như vậy, chúng tôi sẽ lãng phí không gian 6 tầng". Đầu năm 2011, một khảo sát của ECA International, một hãng tư vấn hoạt động trên 1.500 công ty đa quốc gia, cho biết, Tokyo đứng đầu danh sách với giá thuê nhà lên tới 4.352 USD/tháng cho một căn hộ hai phòng ngủ tiêu chuẩn. Với 6 tầng của một tòa nhà dài 335 mét, rộng từ 20-41 mét, sẽ rất tiếc nếu bỏ phí.

Vì vậy, Tokyo Metro đề xuất tìm cách bán không gian đó để lấy vốn khôi phục nhà ga. Không rõ công ty đã vận động thuyết phục tài tình đến mức nào mà Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một đạo luật đặc biệt cho phép bán không gian của nhà ga cho các tòa nhà bên cạnh. Đạo luật này cũng đánh dấu sự thay đổi chưa từng có của Luật Xây dựng ở Nhật Bản. Nếu một ai đó đang có mảnh đất trong khu vực quy hoạch liên quan chỉ được phép xây dựng tòa nhà cao x tầng. Sau khi mua không gian của Tokyo Metro, chủ đất có quyền xây dựng tòa nhà x+ số tầng tương ứng với không gian mua được (có thể là 6 tầng hoặc nhiều hơn tùy diện tích xây dựng và độ an toàn).

Kết quả là cuộc mua bán kỳ lạ, chưa từng xảy ra trên thế giới đã được thực hiện thành công. Công ty Mishubishi đã mua lại không gian 6 tầng của Tokyo Metro với cái giá cực kỳ ấn tượng: 50 tỷ yên, tương đương với 12.500 tỷ đồng Việt Nam. "Với số tiền thu được từ cuộc mua bán đặc biệt này, chúng tôi có đủ tiền để khôi phục nhà ga Tokyo" - ông Naoto Kimura hào hứng kể. Như vậy có thể thấy lãnh đạo Tokyo Metro đã biến cái không thể thành có thể, khai thác tối đa những giá trị mà mình sở hữu ngay cả khi nó là một cái gì đó vô hình. Không gian xây dựng đã trở thành một món hàng có thể mua bán, trao đổi. Một khái niệm mới đã được khai sinh!

Hiện nay, ga Tokyo đang trong quá trình khôi phục. Tokyo Metro dự kiến sẽ hoàn thành dự án trong 5 năm tới. Ông Naoto Kimura còn cho biết, song song với việc cải tạo tòa nhà, công ty đang cho tổ chức lại toàn bộ sàn thương mại trong ga nhằm vừa thu hút thêm các ngành, nghề kinh doanh vừa bố trí lại cho phù hợp. Điều đặc biệt mà chúng tôi được biết, Tokyo Metro cũng có quyền lựa chọn những người thuê cửa hàng trong ga. "Những ai muốn bán hàng hay tổ chức dịch vụ trong ga đều phải trình bày với chúng tôi, nếu thấy phù hợp với ga mới được lựa chọn. Vì các cửa hàng có mặt ở đây không chỉ có mục đích bán hàng mà còn đại diện cho đất nước Nhật Bản, là điểm thu hút khách thập phương" - ông N. Kimura nhắc lại với chúng tôi rằng, Ga Tokyo là cánh cổng mở đón khách của đất nước, nên cần được ứng xử xứng đáng với vị trí đó cho dù là việc nhỏ nhất.

Võ Lâm