“Nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”
Chính trị - Ngày đăng : 15:35, 25/04/2012
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị khẳng định: tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội (QH). Đại biểu phải thường xuyên liên hệ, gặp gỡ cử tri để làm cầu nối giữa chính quyền Nhà nước với nhân dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri giúp các đại biểu QH lắng nghe và thu nhận những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, trên cơ sở đó đại biểu phản ánh tới Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là một kênh quan trọng để đại biểu QH tuyên truyền, phổ biến các hoạt động của QH và phổ biến pháp luật tới cử tri.
Các tham luận tại buổi tọa đàm đánh giá, thời gian qua, Đoàn đại biểu QH Hà Nội đã tổ chức để các đại biểu QH tiếp xúc cử tri theo một số hình thức như tiếp xúc cử tri định kỳ (trước và sau kỳ họp QH); tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc; tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực. Nhìn chung, các cuộc tiếp xúc đã khắc phục dần tính hình thức, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và từng bước có những đổi mới theo hướng gần dân, sát dân, sát cơ sở, tính dân chủ ngày càng được thể hiện rõ tạo niềm tin của cử tri với các hoạt động của QH. Song các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong tiếp xúc cử tri tại một số nơi trên địa bàn thành phố như vẫn còn hiện tượng cử tri chuyên nghiệp, cử tri làm đại diện. Tiến độ báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan, tổ chức còn chậm. Nhiều nội dung cử tri kiến nghị đã được phản ánh nhiều lần nhưng chưa dược giải quyết hoặc giải quyết chưa thấu đáo…
Để nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri trong thời gian tới, đại biểu Chu Sơn Hà, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH Hà Nội đề nghị trong thời đại công nghệ thông tin nên nghiên cứu bổ sung thêm hình thức đại biểu QH tiếp xúc với cử tri qua thư điện tử. Muốn vậy, QH cần công khai địa chỉ thư điện tử của từng đại biểu QH.
Đề nghị nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có liên quan trong tiếp xúc cử tri, bà Nguyễn Phương Lan, Ủy viên Thường trực HĐND quận Hà Đông cho rằng, các đơn vị phải nhận thức đúng trách nhiệm của mình trong quá trình phối hợp và chỉ đạo tổ chức thực hiện. Đặc biệt cần chú trọng tiếp thu, chuyển tải ý kiến cử tri tới các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giải quyết và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc giải quyết để báo cáo kết quả với cử tri…